T-ara, SISTAR, CL cho đến huyền thoại Seo Taiji đều dính nghi án vay mượn, sao chép.
Trong những năm qua, Kpop đã trở thành niềm đam mê của giới trẻ nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở châu Á bao gồm Việt Nam. Dù nói nhiều về tương lai thoái trào của nhạc thần tượng Hàn, Kpop vẫn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong năm qua, làng nhạc Hàn không ít lần phải “muối mặt” vì những nghi án đạo nhái. Trong cơn sốt phát triển, đi tìm cái mới, phải chăng nhạc Hàn đang ngày càng thiếu sự sáng tạo?
Từ mượn giai điệu, mượn beat
Năm 2013, cư dân mạng từng vô cùng thất vọng vì ca khúc Spring Spring Spring của anh chàng ca sĩ tuổi trẻ, tài cao Roy Kim có giai điệu giống hệt Love is Canon (Acoustic Rain). Lúc đó, Roy Kim đã may mắn thoát nạn vì chính Acoustic Rain từ chối xác nhận và không theo kiện. Tháng cuối năm 2014, nghi án “chôm nhạc” cũ xì từ năm ngoái của Roy Kim bỗng dưng được khơi lại. Nhạc sĩ Kim Hyung Yong nộp đơn kiện Roy Kim ăn cắp giai điệu của một ca khúc ông sáng tác từ trước, nhưng chưa kịp phát hành. Dù vụ kiện chưa ngã ngũ, quán quân của Superstar K4 đã 2 lần dính nghi án đạo nhạc cho cùng một tác phẩm.
Roy Kim là ca sĩ thuộc phái thực lực, biết sáng tác, chơi nhạc cụ và sở hữu gương mặt baby hút fan. Chính vì vậy, câu chuyện lùm xùm quanh tác phẩm nổi bật nhất của anh đã khiến bức tranh nhạc Hàn 2014 thêm ảm đạm.
Nhưng không chỉ ca sĩ trẻ, mà cả “huyền thoại nhạc Hàn” cũng bị tố ăn cắp nhạc. Màn tái xuất sau 5 năm của tượng đài Seo Taiji gây nhiều chú ý khi ông mời nữ ca sĩ trẻ IU thu âm Sogyeokdong do chính ông sáng tác. Cư dân mạng nhanh chóng chỉ ra điểm trùng hợp giữa ca khúc và The Mother We Share (2013) của nhóm nhạc Scotland Chvrches. Tất nhiên, phía Seo Taiji phủ nhận kịch liệt.
Ngay cả những gương mặt thần tượng đình đám cũng khiến một bộ phận khán giả hoài nghi trước những giai điệu nửa lạ, nửa quen. Ví dụ, giai điệu ca khúc MTBD thuộc album Crush (2NE1) do CL viết lời và thể hiện khớp một cách hoàn hảo với Turn Down For What (DJ Snake). Có vẻ như đây là một bản hit rắc rối, khi Liên đoàn Hồi giáo của Hàn Quốc phản đối vì một đoạn nhạc nền MTBD sử dụng chất liệu từ kinh Koran.
Nhóm nhạc T-ara dính nghi vấn đưa một phần giai điệu từ 2 bài - gồm Tsunami (nhóm nhạc Canada Dvbbs) và bài Give Me Body (DJ người Anh Felix) - vào ca khúc Sugar Free. Một số fan biện minh rằng đây chỉ là sự trùng hợp, do tất cả đều thuộc dòng nhạc điện tử EDM. Tuy nhiên, T-ara cũng gánh chịu không ít lời phê bình và hoài nghi từ khán giả.
Đạo lời
Không chỉ nhạc na ná, một số ca khúc còn bị cư dân mạng “ném đá” vì bắt chước lời ca của bài khác. Tái xuất thành công với album solo A Talk, HyunA (4minute) cũng không thực sự suôn sẻ. Bài From When and Until When mà HyunA hát chung với Yoseob (BEAST) sớm bị vạch mặt đạo một đoạn của The Reason Why Opposites Attrack (g.o.d).
Trước đó, công ty Cube đã nhấn mạnh ca sĩ Hyunsik (BTOB) là tác giả kiêm soạn lời cho From When and Until When. Lên tiếng qua Twitter, Hyunsik không phủ nhận việc mượn lời, nhưng không cho rằng đó là “ăn cắp”. Theo anh, đó chỉ là thể hiện sự ngưỡng mộ tiền bối vì anh và HyunA đều là fan của g.o.d.
Ca sĩ Hyomin (T-ara). |
Ca sĩ Hyomin (T-ara) cũng rơi vào cảnh xấu hổ vì công ty trót quảng bá bài Overcome - thuộc album đánh lẻ đầu tay Make Up - do cô đồng sáng tác cùng Taewoon (SPEED). Vụ việc trở nên ầm ĩ khi fan Hàn nổi tiếng săm soi phát hiện Overcome đã bê nguyên vài dòng từ các ca khúc của Zico (Block B), cũng chính là em trai của Taewoon. Vấn đề chỉ được dàn xếp sau khi cả 3 nhân vật chính giải thích. Hyomin thừa nhận Zico góp ý cho cô qua điện thoại. Taewoon cho biết đã xin phép em trai trước. Còn Zico giải vây hộ bằng cách khẳng định Hyomin chỉ “lấy cảm hứng” từ bài hát của anh vì ngưỡng mộ.
Đến đạo ý tưởng, hình ảnh
Năm nay nhạc Hàn được mùa gặt hái nghi án đạo nhái. Phần lớn đều do cư dân mạng phát hiện ra, hơn nữa, sự việc đa phần không có kết luận chính thức cuối cùng.
Mỗi lần tái xuất, ca sĩ Hàn đầu tư rất nhiều vào sáng tạo ý tưởng cho ý tưởng, phong cách chủ đạo cũng như video ca nhạc. Đôi khi, chính những điều này không thoát khỏi nghi án “trông quen quen”. MV I Swear (SISTAR) quay cầu kỳ trên đảo Saipan bị đặt lên bàn cân với Red Lights của DJ hàng đầu thế giới Tiesto. Sinh sau đẻ muộn hơn Red Lights 6 tháng, video của nhóm nhạc Hàn vô cùng tương đồng về đường dây câu chuyện, khung hình, góc máy, trang phục...
Những khung hình tương đồng giữa I Swear (phải) và Red Lights. |
Nhưng có lẽ màn tái xuất kém suôn sẻ nhất thuộc về T-ara. Giai điệu gây nghiện của Sugar Free bị tố giống 2 ca khúc nước ngoài. Bên cạnh đó, thiết kế album And & End bị cho là sao chép phong cách tối giản và biến tấu từ cây thập giá trên bìa album Cross, tác phẩm của nhóm nhạc Pháp House. Ngoài ra, loạt ảnh quảng bá của nhóm Apink rất giống với ảnh thời trang của Michal Pudelka - nhiếp ảnh gia người Slovakia. Hay trường hợp HyunA (Red) “lấy cảm hứng” từ phong cách nổi loạn và áp dụng một số ý tưởng từ MV của Miley Cyrus...
Ảnh bìa album của T-ara (trái) và của House. |
Dù đa số nghi án đạo nhái chỉ dừng lại ở tranh cãi trên mạng, không bị đưa ra tòa, fan nhạc Hàn cũng phát mệt vì cả năm chỉ lo soi lỗi. Tệ hơn nữa, những trường hợp này đều rơi vào các tên tuổi nổi tiếng, thậm chí ca sĩ gạo cội, phái thực lực. Không thể phủ nhận, nghi án đạo nhái, mượn tạm... ít nhiều khiến Kpop bị mất điểm trong mắt khán giả và bạn bè quốc tế.
|
Ảnh quảng bá của Apink (trên) và ảnh của nhiếp ảnh gia người Slovakia (dưới). |
theo Zing
Thứ năm, 19/09/2024 15:31
50 lượt xem