Nhiều nông dân ngoại thành Hà Nội đang có mốt nhổ những loại rau hoang dã về nhà trồng để ăn và bán cũng đắt hàng.
Ngày nào cũng đặc sản… rau
Hơn chục năm trước, vùng Hòa Lạc – Thạch Thất vẫn còn rất hoang vu. Đa số những vùng đồi gò hoang vu phủ kín bởi cây cối, cỏ dại mọc đầy. Trong đó, có không ít các loại “cỏ” có thể ăn được và người dân nơi đây vẫn gọi là rau rừng.
Trước đây, mỗi khi đi chăn trâu, ông Nguyễn Văn Chung (Thôn 6, Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội) tiện hái một nắm rau rừng về cho bữa cơm gia đình. Gọi là rau rừng cho nó sang nhưng thực chất là rau dại như: cà bóp, sắng, sam, má…đủ cả.
Ông Chung cho biết, cả gia đình ông ăn không biết chán những loại rau mọc hoang dã ngoài tự nhiên, vừa sạch sẽ vừa ngọt đậm đà.
“Các loại rau này là rau cứu đói vì lành tính có thể ăn thay cơm khi giáp hạt. Ngày đó, không chỉ riêng gia đình tôi hay ăn mà hầu như những nông dân ở đây ai cũng thích ăn rau rừng. Mỗi chiều đi làm đồng về ai cũng nhổ cả nắm rau to về ăn”, ông Chung kể.
Bà Nguyễn Thị Huyền (Thôn 5, Thạch Hòa, Thạch Thất) hàng ngày mỗi khi đến giờ nấu cơm thường tiện ra mấy khu cỏ mọc hái những loại rau dại về ăn như cà bóp, rau má, sam… Nhiều người trên thành phố về đây còn khen bà là người sành ăn.
“Không quá mất nhiều thời gian, việc tìm rau dại ở đây dễ như đi nhổ cỏ”, bà Huyền cho biết.
Anh Trần Văn Liêm (Hà Đông, Hà Nội) có lần về Hòa Lạc chơi với một người bác họ được bác chiêu đãi món rau má luộc và rau cà bóp xào tỏi, anh thấy như được ăn đặc sản hiếm đó.
“Khi ăn món rau má luộc thơm mát có vị hăng dễ chịu, vị rau cà bóp hơi đắng nhưng ăn xong lại thấy ngọt trong miệng, ăn một lần nhớ mãi”, anh Liêm nhớ lại.
Bỏ hoang vườn nuôi rau dại
Sau khi Đại Lộ Thăng Long mở ra, khu vực này trở nên sầm uất hơn nhưng người dân nơi đây vẫn còn thói quen kiếm rau rừng về ăn. Tuy nhiên, bây giờ không còn nhiều như trước, chỉ kiếm ở những bụi rậm và một số khu đất mà dự án công nghệ cao chưa sử dụng đến.
Do rau rừng được người dân sử dụng nhiều trong khi đất hoang ngày càng ít nên những gia đình như ông Chung không được thường xuyên ăn như những ngày trước. Để duy trì thói quen ăn đặc sản, các hộ dân ở đây đã tính đến chuyện nuôi rau dại trong vườn nhà.
Ông Võ Văn Chính (Thôn 6, Thạch Hòa, Thạch Thất) đã cất công đi nhổ cả rễ những cây rau rừng về trồng tại khu vườn sau nhà. Hiện nay khu vườn rau nhà ông trồng rất nhiều cà bóp. Đây là loại rau rừng mà ông Chính và gia đình thích ăn nhất. Ngoài ra ông cũng trồng thêm một số giống rau rừng khác như rau sắng, dền. Để được ăn rau sạch, ông Chính nhất quyết để rau phát triển như ngoài tự nhiên mà không sử dụng chất kính thích và thuốc trừ sâu.
“Vườn thì rộng và gia đình ai cũng thích ăn rau rừng, để không phải mất công đi kiếm ngoài tự nhiên nên đành ươm trồng tại vườn” ông Chính chia sẻ.
Còn vườn rau sạch của bà Nguyễn Thị Mơ (Thôn 7, Thạch Hòa, Thạch Thất) lại trồng sắn để lấy lá. Lá sắn non được hái về rửa sạch rồi ngâm với nước lã khoảng 3-4 ngày cho lá sắn có vị chua rồi kho lá sắn chua với tép hoặc xương sườn lợn.
“Rau sắn đối với khách thập phương là món đặc sản, còn với người dân Hòa Lạc là một món ăn bình thường. Chính vì thế mà nhiều gia đình ở đây trồng nhiều sắn để lấy lá rồi ủ chua rồi đem ra chợ bán như bán rau bình thường”, bà Mơ nói
Theo bà Mơ, nhiều người đã từng ăn món rau sắn nấu với tép rồi nhớ mãi, mỗi khi có dịp qua đây đều nhờ bà mua hộ mang về Hà Nội. Và đối với dân nội thành Hà Nội, dân Hòa Lạc – Thạch Thất quả là sung sướng và sành ăn vì cả làng quanh năm ăn rau đặc sản.
theo soha