Chả cá Lã Vọng Hà Nội hay bún cá rô đồng Hải Dương đều nằm trong danh sách 10 món Việt đạt giá trị ẩm thực châu Á do Trung tâm kỷ lục Việt Nam công bố.
|
Chả cá Lã Vọng là một đặc sản Hà Thành. Món ăn được chế biến từ nguyên liệu chính là cá lăng - loại cá ít xương, thịt rất ngọt và mềm. Cá lăng sau khi tẩm ướp theo bí quyết riêng thì nướng trên than hoa, khi khách gọi mới cho vào chảo mỡ chiên cùng thì là, hành củ, hành hoa rồi thưởng thức trực tiếp cho nóng hổi dậy mùi. Ảnh: MASK Online. |
|
Chả cá Lã Vọng được người Hà Nội rất yêu thích nhất là mỗi bận đông về. Ảnh: MASK Online. |
|
Là món ăn dân dã bình dị nhưng bún cá rô đông đặc biệt gây được ấn tượng với các du khách. Ảnh:Xonefm. |
|
Món ăn quen thuộc với các tỉnh của miền Bắc nhưng nổi tiếng nhất là ở Hải Dương. Có lẽ do thổ nhưỡng vùng đất này sản sinh ra loại cá rô thịt ngọt mềm hơn cả, cũng như sự tỉ mỉ, cẩn thận khi chế biến món ăn của người dân nơi đây. Ảnh: Xonefm. |
|
Chả mực Hạ Long cũng là một trong những món ăn mang lại niềm tự hào cho ẩm thực Việt. Chả mực phải được chế biến từ mực mai, loại to ngon, tươi sống. Mực được giã tay bằng cối đá, rồi vừa giã vừa nêm nếm cho đến khi mực kết dính để nặn thành từng miếng, sau đó mới chiên cho vàng ươm... Mất công nhưng ăn rồi nhớ mãi nên chả mực rất xứng đáng là đặc sản của Quảng Ninh. Ảnh: Muachung. |
|
Khó xác định được nguồn gốc chính xác chỉ biết cao lầu đã có ở Hội An là từ rất lâu và là món không thể không thưởng thức khi đến thành phố nhỏ bé này. Ảnh: Yeudulich. |
|
Tinh túy của món cao lầu là sợi mì được chế biến rất công phu, làm từ gạo thơm ngâm nước tro xay thành bột, sau đó xắt thành từng sợi đem hấp nhiều lần rồi phơi khô. Cao lầu ăn kèm tép mỡ làm bằng da heo chiên giòn, thịt xíu, cùng giá trụng và rau sống. Khi ăn, cao lầu cho cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống và tép mỡ vỡ tan trong miệng mới đạt yêu cầu... Ảnh: Yeudulich. |
|
Bánh canh Quy Nhơn ngon nổi tiếng ngon nhờ các loại chả cá được chế biến từ các loại cá tươi như cá thu, cá mối, cá rựa. Bánh canh thường ăn có 2 loại: bánh canh bột gạo, bánh canh bột lọc. Bột lọc được làm bằng bột mì hay bột năng, còn bánh canh bột gạo làm như làm bánh phở. Ảnh: Báo Bình Định. |
|
Chỉ là một món nhưng gỏi lá Kon Tum luôn như một mâm tiệc có đến mấy chục loại lá. Ngoài ra, trên mâm không thể thiếu bì heo trộn thính, đĩa thịt heo ba chỉ thái mỏng, đĩa tôm sông xào, ít muối hạt, tiêu hạt, ớt hiểm… Món ăn phong phú này thực sự cho du khách những trải nghiệm đầy đủ nhất về hương vị núi rừng Tây Nguyên. Ảnh: Báo Hải Quan |
|
Được làm từ gạo đỏ đặc sản, bánh bèo bì Bình Dương mang hương vị đậm đà đặc biệt. Bánh có vị thịt khìa trộn thính ăn cùng mắm ớt rất ngon. Khác với các loại bánh bèo khác, bánh bèo bì chợ Bình Dương đổ bằng gạo nguyên được vo đãi thật kỹ. |
|
Bún suông là một trong những món bún đậm nét miền Tây nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng. Tên gọi của món ăn xuất phát từ chả tôm, nguyên liệu quan trọng nhất của món bún được tạo hình giống con đuông, một loại sâu trong ngọn dừa. Là sâu ăn đọt dừa non nên đuông là loại sâu sạch và là món ăn khoái khẩu của nhiều người nhờ vị thơm, ngọt và vị béo hiếm có. Ảnh: Infonet. |
|
Hủ tiếu Mỹ Tho là một trong ba thương hiệu nổi tiếng nhất của miền Nam, bên cạnh hủ tiếu Sa Đéc và Nam Vang. Nhìn sơ qua, hủ tiếu Mỹ Tho cũng na ná các món ăn cùng loại, với thành phần chính là sợi hủ tiếu, nước dùng và nguyên liệu ăn kèm. Nhưng chỉ đến khi ăn thử, bạn mới cảm nhận được sự khác biệt rất riêng của món ăn này. Đặc điểm của sợi hủ tiếu Mỹ Tho là cọng nhỏ, khô, dai và giòn giòn thơm ngon, mang nét đặc trưng không lẫn với hủ tiếu ở một nơi nào khác. Nguyên liệu ăn kèm khá phong phú nên thực khách có thể thoải mái lựa chọn thịt nạc, lòng, xương hay hải sản… tùy theo ý thích. |
|
Ngoài bún cá rô đồng Hải Dương thì bún cá Châu Đốc - An Giang cũng được xếp vào danh sách 10 món ăn Việt. Khác với các loại bún ở những địa phương khác, món bún cá Châu Đốc còn có thêm ngải bún và cách chế biến cũng mang nét rất riêng. Ảnh: Lamsao.com |
Ngọc Linh (Tổng hợp)- theo zing