Bạn Ngô Thị Khánh An, học sinh lớp 12, THPT Hoàng Hoa Thám, TP.HCM, chia sẻ: “Chiều tan trường xong là mình phải đi học thêm 2 môn sinh và hóa học nữa vì bố mẹ muốn mình thi y dược”.
Chọn trường, chọn ngành theo đam mê của bản thân hay mong muốn của cha mẹ là câu hỏi khiến nhiều bạn trẻ đau đầu. |
Nhiều bạn không có đam mê, không có sở trường vẫn bị bố mẹ ép theo ngành đã định. Bố mẹ Trần Như Ngọc, nữ sinh lớp 12A5, THPT Nguyễn Trọng Kỷ, TP.HCM muốn cô thi kinh tế để nối nghiệp gia đình dù Ngọc tự nhận thấy mình không giỏi tính toán.
Tăng giờ học chưa đủ, nhiều phụ huynh còn mạnh tay cắt hết hoạt động ngoại khóa mà mình cảm thấy không cần thiết để con tập trung ôn thi. Trên forum của các nhiều trường cấp 3, không ít bạn trẻ than thở chuyện bị bố bắt nghỉ lớp bóng rổ, mẹ cắt tiền học vẽ, cấm đi học nhảy… Thậm chí, máy tính cũng bị phải đặt ở phòng khách để bố mẹ kiểm soát con đang tìm tài liệu ôn thi hay chơi game online với bạn.
Với trách nhiệm thực thi việc chọn ngành bố mẹ thích, nhiều bạn đã sống trong tình trạng hoang mang, cùng lúc sống 2 vai, một vì bố mẹ và một cho chính mình, mà không hề thoải mái.
Đang giữa cao điểm mùa ôn thi, các bạn học sinh cuối cấp 3 còn thêm đau đầu, hoang mang vì áp lực từ bố mẹ trong quyết định thi cử, chọn ngành học. Như Ngọc sau khi bị dồn ép trước lời ra tiếng vào của mọi người trong nhà đã phải “nhắm mắt đưa chân” chọn trường bố mẹ thích. “Dạo này mình chỉ vẽ lén thôi, bố mẹ biết sẽ bị la ngay. Mình cảm thấy áp lực lắm. Con đường sau này không biết sẽ thế nào nữa”.
Học ngành không yêu thích, không phù hợp có thể khiến nhiều bạn trẻ khó có cơ hội thành công. |
Thực tế, không ít bạn sinh viên đã tiếc quãng thời gian ngồi trên ghế giảng đường chỉ vì chiều ý bố mẹ chứ không dám chọn ngành theo đam mê và sở thích. Nguyễn Thế Anh, sinh viên đại học Khoa học tự Nhiên TP.HCM đã đồng ý thi ngành Công nghệ sinh học thay vì Nhạc viện bởi bố mẹ dẫn ra hàng loạt ví dụ về những anh chị tốt nghiệp xong chỉ biết đi hát ở các phòng trà. Sau một năm học, Thế Anh nhận ra mình không thể tìm được hứng thú với ngành đang theo học và quyết định bỏ ngang. Đến giờ cậu vẫn hối tiếc: “Nếu lúc trước mình dám theo đuổi ngành yêu thích thì sẽ chẳng phí một năm học như thế”.
Theo chuyên gia tâm lý, bố mẹ nào cũng yêu thương và mong muốn tương lai tốt đẹp cho con cái nhưng nhiều người vô tình lại biến điều đó thành áp lực, không hiểu rõ điều con mong muốn. Để được sống thật với bản thân, các bạn trẻ cần tìm được cách riêng để có tiếng nói chung với bố mẹ. Sống tích cực, biết bày tỏ quan điểm cũng là cách giúp giới trẻ có thêm cơ hội để đi trên con đường mình đam mê.