Đôi mắt sáng, vầng trán thông minh, từ ngày vào viện, cậu bé người Kiên Giang bắt đầu gắn bó với lớp học dành cho những trẻ bị ung thư.
5 năm nay, hàng trăm bệnh nhi như Quốc Bảo đã được cô giáo Đinh Thị Kim Phấn cùng nhiều thầy cô âm thầm dạy dỗ. Đều đặn vào chiều thứ sáu và sáng thứ bảy hàng tuần, căn phòng sinh hoạt chung tại khoa Nội nhi, Bệnh viện Ung bướu TP HCM lại rộn ràng tiếng nói cười. Tuy phòng ốc thiếu thốn, bệnh viện quá tải, nhưng bệnh viện vẫn dành riêng một phòng bệnh để biến thành nơi học tập, đọc sách, sinh hoạt, nâng đỡ về mặt tinh thần cho các em.
5 năm nay, hàng trăm trẻ "đầu trọc" tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM được cô giáo Đinh Thị Kim Phấn (áo trắng) và các tình nguyện viên âm thầm dạy dỗ. Ảnh: Lê Phương. |
Đa số bé vào lớp học tóc còn dài, nhưng sau thời gian truyền thuốc là phải cạo trọc hoặc rụng hết tóc. Không ít em đang học dở phải quay về phòng bệnh giữa chừng vì nóng sốt, mệt mỏi... Phòng học cũng được chuẩn bị thêm những cây treo dịch truyền để các bé có thể vừa truyền dịch vừa nắn nót gò từng con chữ.
Có bé vừa ê a làm Toán, vẽ tranh hôm trước thì hôm sau đã mãi mãi xa rời vòng tay mọi người. Có bé chưa kịp đọc tròn vành, rõ chữ, hay tự viết được tên mình. Không ít bé không thể nhớ tên trường cũ vì "lâu lắm rồi con không được đi học". Hơn 200 cuốn tập lưu giữ tại lớp học mãi mãi không thể được dùng đến vì hoặc là các em đã điều trị khỏi bệnh về quê tiếp tục đi học, hoặc các em đã qua đời.
Dành trọn tuổi xuân dạy học nơi núi rừng Tây Nguyên, về lại Sài Gòn, cô giáo Đinh Thị Kim Phấn âm thầm gieo con chữ cho những bệnh nhi đang chiến đấu với bệnh tật tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Nhiều học trò đã để lại ấn tượng sâu sắc cho cô. Đó là cậu bé Phan Anh Trường người Bình Định thông minh, lanh lẹ với nụ cười tươi tắn đáng yêu. Ban đầu do lớp chỉ dạy cấp 1 nên cậu bé lớp 6 không được nhận vào học. Trường vẫn kiên trì đứng thập thò trước cửa lớp khiến cô Phấn phải thay đổi quyết định. Giữa những cơn đau hành hạ, Trường vẫn toát lên sự thông minh, sâu sắc làm cô Phấn phải ngạc nhiên.
Đó còn là cậu học trò Hồ Khương Đằng bị bệnh u thần kinh sợi, đến với lớp học khi còn lành lặn. Sau đó Đằng mất đi 1 chân, vài tháng sau mất nốt chân kia, nhưng vẫn đều đặn đến lớp. Khi bị cưa tay trái, Đằng đành nghỉ. Vậy nhưng trên giường bệnh trong khu chăm sóc đặc biệt và cho đến tận khi qua đời, Đằng vẫn thể hiện tinh thần lạc quan, ham học. Nụ cười tươi, ánh mắt thông minh của cậu bé say mê môn Văn đã thực sự làm cô Phấn xúc động.
Tay trái vẫn còn đau đớn, rỉ máu vì những vết kim tiêm, tay phải các em vẫn nắn nót gò từng con chữ. Ảnh: Lê Phương. |
Là cô giáo đầu tiên ở TP HCM lên Tây Nguyên dạy học từ năm 1977, phải đối mặt với bao gian khổ, nhưng ngày đầu tiên đến với các bệnh nhi ung thư, cô Phấn vẫn không tránh khỏi cảm giác lạ lẫm. “Trước giờ đối tượng dạy học của mình là những học sinh khỏe mạnh bình thường nên lần đầu tiên vào lớp, mình xúc động đến nao lòng”, cô Phấn chia sẻ.
Ở lớp học mà học trò phải từng ngày từng giờ chống chọi với bệnh tật, đối diện với ranh giới sống chết mong manh, cô Phấn chỉ dám gửi gắm tâm nguyện "dù chỉ còn một ngày để sống vẫn mong các bé được học hành, được vui chơi như bao trẻ em khác". Ước nguyện của cô chỉ là mong cho trong cuộc đời ngắn ngủi, các em viết được tên mình, phân biệt được con số đánh trên giường bệnh. Với trẻ đã biết chữ thì trong thời gian nằm bệnh viện, các em được tiếp tục với kiến thức đã có, nếu may mắn hết bệnh trở về trường lớp thì không bị thua bạn bè.
"Thỉnh thoảng tôi hay ra những đề Văn về cảm xúc của bé những ngày ở bệnh viện, ước mơ sau này... để các bé được thổ lộ lòng mình trong trang viết, để người lớn hiểu hơn về tâm tư bé. Có những trang viết làm tôi bất ngờ, xúc động vì các bé người lớn quá, sâu sắc quá", cô Phấn trải lòng.
Không chỉ được học chữ, trong mỗi buổi học các em còn được sinh hoạt văn nghệ, chơi trò chơi, phát quà... Những em ngoan, học giỏi còn được tuyên dương khen thưởng. Để duy trì lớp học, thắp sáng niềm tin, ước mơ tri thức cho những bệnh nhi bất hạnh, rất nhiều thầy cô giáo và các tình nguyện viên, bằng tất cả tấm lòng đã giúp sức rất đắc lực cho cô Phấn.
Bài văn xúc động của bé Đinh Thị Thu Hà, viết về những tháng ngày điều trị ở bệnh viện và tham dự lớp học. Ảnh: Lê Phương. |
Bao năm miệt mài gieo chữ nơi bệnh viện, cô Phấn sợ nhất cảm giác khi đến lớp lại thấy thiếu mất một bé nào đó, bởi khi ấy các thiên thần của cô đã mãi mãi rời xa thế giới này, để lại bao ước mơ bình dị còn dang dở. Hỏi về ước mơ nghề nghiệp, đa số bé đều hồn nhiên nuôi mong ước trở thành cô giáo để dạy học hoặc trở thành bác sĩ để chữa bệnh. Bởi quãng thời gian cuối đời, sát cánh thường trực cùng các em là hình ảnh bác sĩ mặc áo blouse trắng tận tâm chữa bệnh và những cô giáo lặng lẽ mang niềm vui học tập đến với các em.
Theo vnexpress