Những cây nghiến biên thùy “ngại gì gió, ngại gì mưa”
Ông là Nguyễn Trọng Nghiễm, năm nay 85 tuổi. Cái hồi giặc phương Bắc kéo đến làm càn cách đây mấy chục năm, ông đang làm đồn trưởng Đồn Biên phòng Cốc Pàng (nay thuộc huyện Bảo Lạc, tỉnh Bao Bằng).
Không ai trên thế gian này lại muốn thấy đổ máu, nhất là một dân tộc yêu hòa bình như Việt Nam. Thậm chí đau thương ngày cũ chúng ta cũng còn không muốn nhắc lại nhiều. Có lẽ vì thế mà suốt cuộc hàn huyên đầy “máu lửa chiến trường” biên ải với ông Nghiễm, tôi chỉ thấy nụ cười của “lão tướng” này đầy hào sảng, lạc quan.
Gian khó, hy sinh, cảnh kẻ thù đầu rơi máu chảy, cúp đuôi khiêng thi thể bỏ chạy trong ký ức của ông có cái gì thật ngộ nghĩnh, hồn nhiên và cũng thật can trường. Thi sĩ nào đó bảo, rừng có những cây nghiến hiên ngang “ngại gì gió, ngại gì mưa”, như cái cột mốc biên cương. Cương thổ quốc gia, nhân cách người yêu nước, cũng cần có thật nhiều những “cây nghiến” cổ thụ “ngại gì gió, ngại gì mưa” để đổ bóng che chở cho đất Mẹ như thế.
Hôm ấy, tôi trầy trật, đi bạc mặt hơn 500km từ Hà Nội để lên đến được huyện Bảo Lạc chín suối mười đèo (tỉnh Cao Bằng), vào đến đồn Biên phòng Cốc Pàng thì trời đã khuya lắm. Hai bên đường đèo, trong đêm, ánh đèn pha chỉ chiếu được rậm rạp, chi chít những tán rừng biên tái, khiến người ta có cảm giác mình đi vào một ngõ cụt hay một mê cung huyền bí nào đó của nữ chúa rừng xanh. Đôi lúc, xe ngược những con dốc quá đựng đứng, mà mũi chổng lên… phía ngọn cây, góc nhìn của người ngồi trên xe chỉ là… một chân trời lạ.
Không trông thấy mặt đường. Trước khi đi, một cán bộ tỉnh từng là nhà báo tặng tôi “câu ca” về mấy cái đồn khủng khiếp nhất trong toàn bộ lực lượng biên phòng Cao Bằng: “Bao giờ Nậm Quét có kem/ Cốc Pàng có điện thì em lấy chàng” - câu này ở Cao Bằng ít ai không thuộc. Nữ nhà báo ấy suốt đời không thể quên được những ngày cưỡi ngựa lang thang ngày nọ qua ngày kia để vào được Cốc Pàng xa thẳm. Xa nhất tỉnh Cao Bằng.
Cốc Pàng cách tỉnh lỵ Cao Bằng gần 200km. Đồn trưởng - trung tá Hoàng Anh đem ra khoe với nhà báo một con chiến mã đầy tâm đắc. Trước, đồn có đội ngựa phục vụ đi lại núi non, vừa rồi đường được mở, đồn được tỉnh cấp cho một cái xe u-oát cà tàng. Đường xấu quá, lúc nào xe cũng nhảy chồm chồm, long sòng sọc với vô số đèo dốc, rất khổ sở. Đường biên giới bụi và nóng nực, xe bị nhảy trên đá hộc nhiều nên cứ hỏng điều hòa hoặc “ơ kìa” dừng giữa đường suốt.
“Ngồi xe nóng lắm” - trung tá Hoàng Anh bảo. Cốc Pàng giờ có điện lưới rồi, nhưng nàng nhà báo thì không lấy chàng nào hết. Có nhẽ, chờ điện lâu quá, nàng nay đã có tuổi, đã về UBND tỉnh làm cán bộ.
Biết chúng tôi tình nguyện xông pha lên tuyến biên giới với các đồn nghe tên đã hiểm trở như Cô Ba, Cốc Pàng, Xuân Trường, đồng chí đại tá Phùng Quốc Tuấn - Chính ủy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng - đích thân tiếp chuyện, dặn dò đường đi lối lại. Rồi anh năn nỉ: Bỏ lại cái xe thành thị đi, tôi cấp lái xe, xăng và chiếc u-oát chuyên đi “biên phòng” cho, chứ giờ mưa gió trơn trượt, lên chốt gác giữa biên cương lạnh giá, đi xe máy hoặc đi bộ còn khó, nói gì đến xe bốn bánh sản xuất cho người thành phố kia. Nghe, cứ như tướng ra ngoài biên ải sắp được trao ấn kiếm vệ quốc vậy.
Anh Tuấn cũng không quên điện lên đồn, nói rằng: Để hiểu được về đất và người Cốc Pàng, đích thân đồn trưởng phải cho mời lão tướng Nguyễn Trọng Nghiễm lên nói chuyện với anh em. 85 tuổi rồi, nhưng cụ Nghiễm còn sắc sảo, dũng mãnh, hiên ngang lắm.
Tớ đã huy động dân bản san đồi, đẵn tre dựng đồn Cốc Pàng
Quân phục màu xanh lá núi. Tóc bạc trắng. Răng còn đều và trắng như ngô nếp. Từng 10 năm làm đồn trưởng, kinh qua chiến tranh biên giới oai hùng, nhận bao nhiêu phần thưởng cao quý, đeo quân hàm thiếu tá (ngày xưa để lên đến hàm thiếu tá là… to rồi), đến năm 1990, ông Nghiễm mới về hưu. Ông cười vang bắt tay từng người.
“Tớ nghỉ hưu 24 năm rồi, bấy giờ là Chỉ huy phó của huyện đội Bảo Lạc dưới kia. Con tớ bây giờ vẫn đang làm bảo vệ ở chính cái huyện đội này mà. Cậu lính trẻ dắt ngựa cho tớ, bấy giờ là đồn trưởng, cậu ấy tên là Nông Thế Nghiệp, hiện đang làm Chủ tịch hội nông dân huyện tít mãi dưới kia”.
Đồn Cốc Pàng nằm chênh vênh, tít hút trên đỉnh trời biên ải, “dưới kia” là huyện, là các xã, là đường về xuôi. Thực dân Pháp ngày xưa chọn vị trí xây đồn Cốc Pàng với hệ thống tường thành đá hộc và bao nhiêu hầm hào, công sự ở đây, án ngữ dải biên cương, án ngữ cả đường huyết mạch từ Cao Bằng sang Hà Giang thế này, là rất chí lý. “Trước đi lên các bản người Mông như Lũng Mần của xã Đức Hạnh kề bên đồn, là phải đi ngựa, rồi đường bé bằng bàn tay, đi trên các gờ đá ven sông Nho Quế xanh biếc.
Nhìn trên xuống, chỉ thấy xanh lèo, cảm giác nước không chảy nữa, sông chỉ bé bằng bắp đùi thôi. Ngựa không đi được, người phải bò lổm ngổm mà đi. Chúng tôi phải làm những cái thang bằng gỗ để trèo từ vách đá nọ sang vách đá kia. Đồn cũng chưa có trụ sở, lính biên phòng ở tạm trong nhà dân. Đến năm 1960, chúng tôi mới huy động dân và cán bộ chiến sĩ chặt cây, san nền, dựng đồn bằng tre gỗ trên khu vực từng có đồn Cốc Pàng của người Pháp cũ”.
Dẫn chúng tôi ra cổng đồn, bên cạnh vườn thuốc nam của đơn vị là hai cây đa lừng lững, rễ cuồn cuộn, cành lá sum sê. Hiếm có đồn biên phòng nào ở Việt Nam mà cảnh lại “cây đa bến nước sân đình” nền nã nao lòng nhường ấy. Ông Nghiễm kể: “Năm 1970, đi công tác ở biên giới, thấy có cây đa đẹp thì tôi đánh về trồng ở cổng đơn vị.
Cây to này tôi trồng, cây nhiều rễ kia là của anh Hoàng Việt - người huyện Hà Quảng, đồng đội của tôi. Mỗi người trồng một cây, bây giờ nó to khổng lồ, cao ngất trời thế này rồi đây. Còn anh Việt thì đã hy sinh hồi chiến tranh biên giới. Hôm ấy anh đi tuần tra bị địch bắn. Tôi đi tuần tra ở bản Lũng Mần từ lúc mờ sương, từ trên núi cao, mặt trời lên, gió thổi bớt mây mù, chợt thấy bọn giặc nói “nhí nha nhí nhố” ở dưới. Nó cũng phát hiện mình và xả súng dã man”.
Bọn chúng tự nã pháo giết nhau, rồi khiêng xác rút chạy
Bấy giờ dân với bộ đội gắn bó đặc biệt. Tết, họ đem bánh trưng, đem thịt treo gác bếp lên tặng các chiến sĩ. Bà con tin yêu anh cán bộ biên phòng lắm. Đến mức, nuôi được con trâu, con bò, họ dắt trâu bò xuống chợ xem lái buôn trả bao nhiêu tiền.
Được rồi, để tao lên hỏi anh biên phòng đã rồi mới bán. Hôm sau, họ lại mang trâu bò lên hỏi cán bộ đồn là “chúng nó” trả giá bằng này cho con trâu này, bán được chưa? Đồn bảo “được” thì lại dắt trâu bò xuống chợ lần nữa để bán. Bộ đội bấy giờ chỉ ăn cơm độn sắn, mà ngay cả lúc chưa chia xa, ai cũng hiểu rằng, biên giới là quê hương thứ hai, là nơi neo giữ tâm hồn mình đến suốt đời”.
Thế rồi kẻ thù xâm lấn biên cương, người lính vệ quốc không còn lựa chọn nào khác. “Chúng tôi (tôi 10 năm làm đồn trưởng Cốc Pàng) nhận được thông tin từ ngoài tỉnh, rằng giặc đang ở đâu và phải di chuyển thóc lúa, quân trang ra khỏi đồn làm “vườn không nhà trống” ra sao. Phải chủ động đào hầm hào. Bấy giờ kho thóc khổng lồ 48 tấn - có được nhờ chính sách tăng gia sản xuất của chúng tôi vừa để nuôi quân, vừa giúp dân đã được tích cóp ở đồn - đã được “sơ tán” xuống nhà dân cất giấu. Ở giữa đồn còn treo cái lá cờ sao vàng đỏ thắm. Kẻ địch từ bên kia biên giới sang, thần hồn nát thần tính, chúng nhìn lá cờ của ta lại ngỡ quân đội ta vẫn mai phục ở trong đồn.
Chúng nã pháo liên tiếp vào. Báo hại, một đoàn quân địch đến trước, xông vào đồn gặp vườn không nhà trống, chúng đốt phá tan hoang. Đoàn xâm lăng đi sau, cứ thấy cờ tung bay là nã pháo, bắn súng vô tội vạ vào… đoàn đi trước đang lưu trú trong đồn Cốc Pàng. Địch chết vô tội vạ vì chính đạn pháo của chúng. Sau khi ở đồn được 3 tiếng, đốt hết nhà cửa, phá hết công trình ở đồn Cốc Pàng, thì địch thi nhau rút chạy. Từ trên các vách núi cao, chúng tôi chia làm các đội hình tiếp tục bắn tỉa tiêu diệt địch Khi chúng tôi trở về đồn thì thấy địch đã khiêng hết những kẻ bị thương do “quân ta đánh quân mình” đi. Những kẻ chết rồi, địch cứ bỏ mặc”.
Nói xong, ông Nghiễm tự hào khoe “hai cái Huân chương Chiến công, một cái Huân chương Kháng chiến, một Huân chương Quân kỳ Quyết thắng, các huy hiệu 40-50 năm tuổi Đảng, cùng rất nhiều kỷ niệm chương khác”. Đấy là chưa kể, sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục 16 năm làm Chủ tịch Mặt trận tổ quốc thị trấn Bảo Lạc. Ông cũng được trời ban cho sức khỏe và sự minh mẫn hiếm thấy ở tuổi 85. Ông cười lạc quan, như chưa bao giờ gặp cảnh đầu rơi máu chảy, với sự quấy phá không mệt mỏi của những người từ bên ngoài biên giới.
Chiến tranh, với cây đại thụ miền phên giậu này, nó là thứ chẳng đặng đừng mới phải tham gia, song khi hiến mình cho nhiệm vụ thiêng liêng đó, cả khi chứng kiến mất mát, với ông, nó vẫn như là một chân lý lạc quan và giản dị nhất. Đôi khi có gì đó thật hài hước như một trò đồng dao “đánh trận giả”. Ông kể chuyện chiến tranh và gian khổ mọi bề, cứ như đang kể cổ tích, mà phần thắng dĩ nhiên bao giờ cũng thuộc về chính nghĩa. Chính nghĩa ở trong mỗi cây nghiến “ngại gì gió, ngại gì mưa” miền biên viễn; chính nghĩa ở trong mỗi chúng ta; trong cả non sông Việt và cả loài người có lương tri giữa những ngày biển Đông dậy sóng này.
Theo Đỗ Doãn Hoàng
Lao Động