Tục thờ cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp đã có từ lâu nhưng không phải ai cũng làm đúng nghi lễ. Nhiều người chơi trội, chuẩn bị cho các ngài quá đà, không đúng với phong tục.
Theo phong tục cổ truyền của người Việt, hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình hạ giới với Ngọc Hoàng. Đêm Giao thừa, Táo Quân mới quay trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình trong năm mới. Chính vì thế, các gia đình sẽ chuẩn bị cúng tiễn Táo Quân trong ngày này với nhiều lễ vật cho ngài làm lộ phí đi đường.
Khoe của mới đốt nhiều?
Theo quan niệm của người Việt, đất có thổ công, sông có hà bá, bất kỳ mảnh đất nào cũng đều có một vị thần cai quản, trông coi mọi việc. Nhà bếp cũng có một vị thần là Táo Quân, giúp gia chủ trông coi việc nhà và trừ yêu diệt tà.
Có thể nói, tục thờ cúng tổ tiên, các vị thần là một nét văn hóa đẹp của người Việt, nhưng ngày nay do phú quý sinh lễ nghĩa, nhiều người đã lạm dụng đến mức sắm sửa cho ông Táo đủ thứ nào là quần áo, nhà lầu, xe hơi lên tới cả bạc triệu. Phố Hàng Mã (Hà Nội) lâu nay được coi là thủ phủ bán các mặt hàng này. Việc này dù xuất phát từ lòng thành tâm của gia chủ, nhưng theo quan điểm của nhiều người, điều đó thực sự rất lãng phí và không cần thiết.
GS. Phạm Đức Dương – Chủ tịch Hội Nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á cho rằng: Quan niệm dương sao âm vậy của nhiều người thực sự là sai lầm. Không phải cứ đốt nhiều, cúng nhiều mới tốt mà quan trọng là thành ý của người cúng. Vì thế không nhất thiết phải sắm lễ nhiều đến mức tốn kém, gây lãng phí lớn.
GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam cho biết: Đồ cúng tiễn các vị Táo Quân “không đáng bao nhiêu”, gồm ba chiếc mũ cánh chuồn, ba bộ quần áo, ba đôi giày và chắc chắn không thể thiếu ba con cá chép để các vị thần đi lại dễ dàng hơn.
“Đốt nhiều, đốt không đúng biến người ta thành kẻ ngông cuồng, một trò khoe của lố lăng”, GS Thịnh nói.
... không cần nhà lầu, xe hơi như thế này. Ảnh: Lê Quân.
|
Nói thêm về ý nghĩa của phong tục này, GS Ngô Đức Thịnh cho biết: Chưa có ai nói đúng - sai về tập tục này. Thực chất, phong tục này vẫn mang những yếu tố hoang đường nhưng ý nghĩa của nó vô cùng quan trọng. Việc hư cấu nên chuyện ông Táo về chầu trời, tâu bẩm chuyện thế gian thực ra là để con người có ý thức sống đẹp, sống tốt, biết kiềm chế cái xấu. Niềm tin “ông Táo” sẽ giúp con người sống tốt với nhau hơn.
“Đây là một cách giáo dục con người tuyệt vời của người xưa. Xã hội hiện đại có thể làm những phong tục này mờ nhạt dần nhưng thông điệp của nó vẫn muôn đời tồn tại”, GS Thịnh chia sẻ.
Thờ thần Táo sao cho đúng?
Theo GS Ngô Đức Thịnh, nghi lễ thờ cúng Táo Quân tối thiểu là phải có bài vị, bát hương và vật phẩm thờ cúng (gồm hương, đăng, hoa, quả, nước). Ngoài ra, thờ Táo Quân thì cần thêm ba hũ gạo - muối - nước bày hàng ngang phía trước bát hương.
Vị trí của “Định Phúc Táo Quân” cần đặt ở nơi cao nhất của bàn thờ chính trong gia đình. Trên một bàn thờ, cao hơn phía sau đặt bài vị thờ ba vị tam tài Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. Vị trí thấp hơn phía trước đặt bài vị thờ gia tiên; hoặc gia đình khá giả có thể tách riêng rường thờ thành hai phần.
Bên trái rường thờ (cao hơn) thờ Ngũ vị tài thần của người Việt gồm Hoàng Thiên (là vua cai quản vùng trời của một Quốc gia) - Hậu Thổ (là vua cai quản vùng đất lãnh thổ của một quốc gia) và ba vị Định phúc táo quân là thần bản gia.
Bài vị thờ Táo Quân thường ghi tên ba vị thần Táo là “Đông trù tư mệnh táo phủ thần quân, Thổ địa long mạch tôn thần, Ngũ Phương ngũ thổ phúc đức chính thần”.
Lễ vật cúng trong ngày 23 tháng chạp gồm: 3 cái mũ đỏ; 3 bộ áo dài đen Táo Quân; cá chép và vàng mã.
Đối với cá chép, ông Thịnh cho biết, có thể cúng tranh cá chép hoặc cá chép sống đều được. Tuy nhiên, nếu cúng tranh cá chép thì bức tranh đó phải có vẽ ngọn thác vũ môn và được đốt cùng áo mũ, tiền vàng. Nếu cúng cá chép sống thì sau khi cúng phải đem thả một nơi có sông, suối, có dòng nước chảy để cá có thể bơi được theo dòng.
Theo truyền thuyết, Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con nên sinh ra buồn phiền hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá nên đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, chàng nghĩ lại thấy mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.
Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Phạm Lang trở về nhà, Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Ngọc Hoàng cảm động trước mối chân tình của cả ba người và cũng cảm thương cái chết trong lửa nóng của họ, Ngài cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi bèn cho ba người hóa thành chiếc kiềng ba chân ở nơi nhà bếp của người Việt ngày xưa.
Từ đó, ba người ấy được phong chức Táo Quân, trông coi và giữ lửa cho mọi gia đình. Đồng thời có nhiệm vụ trông nom mọi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người, thường được thờ ở bếp, nên còn được gọi là Vua Bếp.
Vào các ngày Rằm, mùng một hay các lễ Tết trong năm, các gia đình vẫn dâng lễ để cúng Táo Quân. Song dịp lễ long trọng nhất dành riêng cho Táo Quân là ngày 23 tháng Chạp hàng năm.
Theo Zing