1. Lúc tôi còn bé, bà nội mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ trên phố. Bà nói rằng bán để cho vui chứ không quan trọng lỗ lãi. Khi đó ở Hà Nội người ăn xin nhiều vô kể. Người già, trẻ em đã đành nhưng cũng có cả những thanh niên khỏe mạnh, cao lớn, chẳng bị khuyết tật gì cũng đi ăn xin. Khi thấy những người này, nhà nào nhà nấy đóng cửa kín mít, đuổi như đuổi tà.
Bà tôi thì khác. Bà ân cần mời họ vào nhà uống nước, ăn bánh rồi hỏi chuyện họ. Bà hỏi tại sao cô, chú còn khỏe mà lại làm cái công việc này, rằng nếu họ muốn lao động bằng chính sức lực của mình thì bà sẽ giới thiệu đi làm ở chợ. Hầu hết họ chẳng nói gì, có người khóc, có người xấu hổ đi luôn mà không dám trả lời bà. Tôi đã rất ngạc nhiên hỏi tại sao bà lại làm như vậy, bà giải thích với tôi rằng: lòng nhân ái phải được đặt đúng chỗ. Đối với họ thì giúp họ cũng chính là hại họ vì họ đã quen ỷ lại vào những đồng tiền của người khác. Nhưng bà lại rất sẵn lòng giúp nếu hoàn cảnh họ quá khó khăn.
|
Ảnh minh họa - Internet |
2. Tôi vẫn nhớ rõ kỷ niệm hồi học cấp 2. Nhà trường tổ chức gom giấy vụn, báo cũ để gây quỹ ủng hộ cho các bạn nghèo. Tôi hăng hái lắm. Tôi gom giấy vụn khắp nhà và đi xin báo cũ của cả xóm. Tôi còn nhịn ăn sáng để dành tiền ủng hộ nữa. Vác đến trường cả bao tải to, tôi được khen vì có tinh thần giúp đỡ người khác. Một cô giáo còn bảo: em đúng là người nhân ái. Tôi vui lắm, về cứ hát mãi, khoe mãi.
Hơn một tháng sau, tôi ra căng tin của trường để uống nước thì thấy khe cửa nhà kho cạnh căng tin có gì đó là lạ. Tôi nhòm qua khe vào nhà kho thì một cảnh tượng đập vào mắt tôi: cả một kho đầy giấy vụn vẫn chưa được bán để gây quỹ. Mùi ẩm mốc xộc vào mũi, mạng nhện chăng đầy, mấy tờ báo cũ trên cùng ướt nhoẹt vì mưa dột. Tôi nắm chặt tay, nước mắt chảy ra lúc nào không biết. Câu nói của bà lại vang lên trong đầu tôi “lòng nhân ái phải được đặt đúng chỗ”.
3. Ra đời, xa rời vòng tay cha mẹ, tôi vẫn giữ cho mình phần nhiệt huyết của thời thơ bé. Tôi là một công chức nhà nước, lương không cao, lo ăn cho gia đình còn vất vả, nhưng tôi vẫn có lòng hướng về những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Dù không thể giúp đỡ nhiều bằng vật chất nhưng nó lại mang ý nghĩa tình cảm rất lớn. Trong nhiều trường hợp, sự động viên về tinh thần còn lớn hơn những món quà vật chất. Tôi đã gặp những người như vậy, họ có thể không thiếu thốn tiền bạc đến mức cần người khác giúp, nhưng họ lại đang trong cơn tuyệt vọng. Họ trách đời, trách ông trời thật bất công và không ít người muốn tìm đến cái chết. Họ có thể nghèo nhưng trong họ vẫn còn một thứ tài sản quý giá: đó là sức lao động, là hai bàn tay.
Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước với chỉ hai bằng tay trắng đó thôi, nhưng Bác đã đem lại độc lập, hạnh phúc cho cả dân tộc ta. Với những người ấy, với đôi bàn tay, họ hoàn toàn có thể đem lại hạnh phúc cho chính mình. Với họ, tôi thường chỉ biếu một chút, không nhiều bằng những người mất sức lao động nhưng tôi lại cố gắng động viên tinh thần để họ có ý chí vươn lên. Và đời cũng có một số người tuy danh nghĩa là nhân ái nhưng lại thờ ơ với công việc nhân ái của mình. Với những người đó thì không nên trông chờ vào họ mà phải dùng tình cảm để thức tỉnh họ.
Tôi chưa phải là người giàu để nhân ái với mọi người bằng những món quà vật chất hay tiền bạc to lớn, nhưng tôi đang nỗ lực để đem lại một ý nghĩa nào đó cho những người cần món quà tinh thần. Vâng, mặc dù tôi chỉ là một người bình thường nhưng tôi sẽ cố gắng đặt lòng nhân ái của mình vào đúng chỗ, như bài học bà đã dạy năm xưa.
Theo tintuconline