Lễ hội nhảy cắm đầu, Cộng hòa Vanuatu
Người tham dự phải nhảy từ tháp cao 30 m xuống với một sợi dây bảo hộ mỏng manh
Lễ hội Naghol còn gọi là lễ hội cầu mùa, lễ hội nhảy cắm đầu được tổ chức vào ngày thứ 7 giữa tháng 4 và tháng 5 hàng năm ở Cộng hòa Vanuatu. Đây được coi là một trong những lễ hội nguy hiểm nhất thế giới.
Người dân tin rằng, cách làm này sẽ mang lại vụ mùa bội thu
Mỗi mùa lễ hội, các thanh niên trai tráng lại nô nức tham dự với mong muốn mùa màng năm sau sẽ bội thu hơn năm trước. Người dân trong làng trước đó xây một chiếc tháp làm bằng gỗ thô sơ với độ cao chừng 30 m. Những người tham dự phải luyện tập nhảy từ trên cao xuống với một dụng cụ bảo hộ duy nhất đó là sợi dây tết bằng cây nho buộc cổ chân. Sợi dây được chọn phải đảm bảo độ đàn hồi và chắc chắn cho người nhảy. Nếu dây quá dài, người nhảy sẽ đập đầu xuống đất. Dây quá ngắn họ sẽ bị treo lơ lửng trên ngọn tháp. Bởi vậy, các thanh niên phải luyện tập sao cho đầu họ chỉ vừa chạm tới mặt đất. Mỗi lần chạm như thế, họ sẽ nói lời cầu nguyện cho mùa màng. Dù đã có nhiều tai nạn đáng tiếc trong mỗi mùa lễ hội Naghol, nhưng người Vanuatu vẫn tiếp tục duy trì lễ hội nguy hiểm này.
Lễ hội chạy đua với bò tót, Tây Ban Nha
San Fermin – lễ hội chạy đua với bò tót là một trong những ngày hội nguy hiểm nhất thế giới, diễn ra tại thành phố Pamplona, Tây Ban Nha. Chỉ những người rất dũng cảm mới đủ sức tham dự ngày lễ này.
San Fermin thường diễn ra vào trung tuần tháng 7 hàng năm. Khi đó, hàng ngàn người tham gia sẽ cùng chạy đua với những chú bò tót với cặp sừng nhọn hoắt được thả rông trên đường phố. Các vận động viên sẽ mặc đồ truyền thống là trang phục trắng, quàng khăng đỏ và chạy thật nhanh, tránh để lũ bò tấn công. Nếu không nhanh chân, người tham dự có thể bị bò tót húc sừng nhọn hoắt vào người hoặc dẫm chân lên. Dù hàng năm có cả trăm người bị thương sau khi tham dự lễ hội nhưng ngày lễ vẫn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Lần đầu tiên tổ chức vào năm 1591, lễ San Fermin được duy trì cho tới nay.
Lễ hội Onbashira, Nhật Bản
Lễ hội Onbashira đã tồn tại hơn 1200 năm và được coi là một trong những lễ hội lâu đời nhất Nhật Bản. Được tổ chức 6 năm một lần, Onbashira là lễ hội đòi hỏi sự phiêu lưu mạo hiểm, thu hút hàng chục nghìn người. Khi tham dự, người chơi phải vào rừng đốn những cây nhựa ruồi. Sau đó, họ sẽ mang đống cây khổng lồ này rượt trên những sườn đồi, qua nhiều dòng sông lạnh để tới khu điện thờ cách đó khá xa.
Trên quãng đường đi, người tham dự phải trải qua rất nhiều nguy hiểm như vượt các con dốc thẳng đứng. Tuy nhiên những hiểm nguy này dường như không làm nao núng tinh thần người tham chơi vì họ tin tưởng vào sự che chở của thần linh. Khi tiến về gần ngôi đền, các thân gỗ được dựng thẳng đứng trên mặt đất và đưa vào làm cột trụ trong đền. Người Nhật Bản tin rằng, như vậy, ngôi đền đã được xây mới lại về mặt tâm linh.
Lễ hội nhảy qua người trẻ nhỏ, Tây Ban Nha
Các phụ huynh “nín thở” chờ “ma quỷ” bay qua người các bé sơ sinh
Lễ hội El Colacho còn có tên “nhảy qua người trẻ sơ sinh” được tổ chức tại thị trấn Castillo de Murcia, Tây Ban Nha vào tháng 6 hàng năm. Trong ngày lễ, những trẻ sơ sinh chưa tròn một tuổi trong thị trấn được xếp thành hàng dài trên mặt đất. Sau đó, một người đàn ông khỏe mạnh mặc trang phục ác quỷ sẽ nhảy qua người từng bé. Người dân địa phương tin rằng, vận xui và những điều kém may mắn của mỗi em bé sẽ đi cùng “ác quỷ”. Tuy nhiên, hành động trên khá nguy hiểm nếu chỉ cần sơ sẩy nhỏ xảy tới.
Lễ hội Thaipusam, Malaysia
Lễ hội Thaipusam là ngày dành cho những người theo đạo Hindu. Ngày lễ được tổ chức ở một số quốc gia nhưng lớn nhất vẫn là Singapore và Malaysia – nơi có cộng đồng Taimil theo đạo Hindu đông nhất.
Một số hình ảnh “rùng rợn” của lễ hội
Những người tham dự phải rửa tội lỗi của mình bằng các nghi thức tôn giáo nghiêm ngặt. Họ đi chân trần và mang theo nhiều đồ trang sức bằng móc sắt. Một số người còn tự xuyên qua lưỡi, lưng và má. Trong quá trình khuyên, người Hindu sẽ dùng bột đá để cầm máu và giảm đau.
theo dantri