



Thứ hai, 06/10/2014 10:55 (GMT+7)

Có những điều tưởng chừng đơn giản, ai cũng biết thế mà lâu lâu lại bùng lên thành một cuộc tranh luận, chẳng hiểu vì sao?
Một nền điện ảnh sinh ra trong chiến tranh, trưởng thành trong bom đạn với nhiều thành tựu được nhân dân yêu mến, bạn bè quốc tế công nhận, bỗng một ngày xấu trời có một ý kiến thốt lên rằng: Có nên tiếp tục phát triển dòng phim này không?Rồi một rừng ý kiến…Lịch sử, văn hóa, cuộc sống của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam bao giờ cũng là mối quan tâm hàng đầu của nghệ sỹ Việt Nam và nhà nước Việt Nam. Điều này có gì mâu thuẫn với sự thưởng thức của khán giả?
Câu trả lời rõ ràng là: Chẳng có gì mâu thuẫn cả! Mỗi bộ phim ra đời đều có mục đích của riêng nó. Một bộ phim do nhà nước đặt hàng, chiếu miễn phí cho hàng triệu người xem từ nông thôn đến thành phố, cho mọi tầng lớp nhân dân, chiếu năm này sang năm khác thì giá trị của nó là không đong đếm được. Một bộ phim tư nhân nhằm mục đích kinh doanh, thương mại thu hút được nhiều người mua vé để giải trí cũng rất đáng quý. Xã hội văn minh là phục vụ chu đáo cả người có tiền và người nghèo. Đặc biệt, việc quảng bá những vấn đề về lịch sử, văn hóa dân tộc thì càng không thể tính bằng tiền. Không ai dùng tiền đo lòng yêu nước!
Chúng ta thường ngồi trong phòng máy lạnh để tranh luận những việc trên trời. Giá như mỗi người đều mở lòng mình đi đến những vùng sâu vùng xa, nông thôn, miền núi, hải đảo… ngồi xem phim với bà con ngoài bãi rộng hay trong những hội trường xã, bàn ghế còn xộc xệch, chắc sẽ thấu hiểu cái giá trị thực của những bộ phim. Đừng bao giờ so sánh tấm vé xem phim miễn phí của một người lính, một người nông dân với tấm vé của các cô bé, cậu bé trong các thành phố lớn!
Tạp Chí Thế Giới Điện Ảnh số 19 phát hành 5/10/2014.







































