Thứ hai, 09/11/2015 13:42 (GMT+7)
Ngay từ thuở xa xưa, con người đã yêu thích nghề hóa trang. Những lớp tiền nhân đã sang tạo ra những câu chuyện thần thoại, những chuyện cổ tích mà trong đó, con người cùng các vị thần, vị tiên cùng chung sống với nhau như anh em một nhà. Những Cô Tiên giấu mình sau cái vỏ xấu xí của nàng Lọ Lem, sau bề ngoài ẩm ướt của Nàng Công Chúa Ếch, nàng Bạch Tuyết chết đi rồi sống lại, mụ phù thủy sao hóa thành người bán trái cây? Sao con Cám mặc quần áo của cô Tấm mà nhà vua không nhận ra? … Những cậu bé tò mò tìm xem ai giấu mình trong cái lốt Sọ Dừa. Và dường như, cậu bé nào cũng mơ về 72 phép thần thông của Tôn Ngộ Không v.v… Tất cả những sự biến hóa đó như những phép màu tô điểm những năm tháng tuổi thơ.
Khi lớn lên, chúng ta vẫn gặp giữa đời thường những con người, những sự việc mà, vừa thật đấy nhưng cũng đầy huyền thoại. Một người mẹ nghèo ngỡ không nuôi nổi mình nhưng có tấm lòng Bồ Tát đã cưu mang bao số phận khổ đau. Một người đàn ông cô đơn nhưng đã dành những năm tháng cuối đời mình đứng gác dưới chân cây cầu, nơi có nhiều người tự vẫn. Họ không cần hóa trang. Nhưng người đời đọc được, rằng sau cái vẻ bình dị ấy là những tấm lòng nhân ái. Điện ảnh luôn là công xưởng làm ra những giấc mơ. Những kỹ thuật trang điểm, hóa trang, những công nghệ phẫu thuật, những kỹ xảo tạo ánh sáng và bóng tối… đã mang đến cho người xem những thế giới diệu kỳ. Và cuộc đời dù thực đến đâu, dù ai đó chìm sâu vào đời sống ảo trên thế giới mạng, vẫn rất cần một thế giới thần tiên mà trong đó, chúng ta sống cùng với cả thiên thần và ác quỷ. Bởi trong con người chúng ta, theo triết lý nhà Phật, có đủ 3600 thế giới
“Quê hương tôi có cây bầu cây nhị
Có tiếng đàn kêu tích tịch tình tang
Có cô Tấm náu mình trong quả thị
Có người em may túi đúng ba gang…’’
(Thơ Nguyễn Bính)
Vâng, cuộc đời rất đẹp. Hãy yêu đất nước mình, nhân dân mình và công việc của mình. Tự chúng ta sẽ làm đẹp cho những gì chúng ta hằng yêu mến.
Phụng Công
THẾ GIỚI ĐIỆN ẢNH phát hành 5/11/2015