Trên mạng xã hội đang chia sẻ ảnh đôi nam nữ đang đi xe máy ở đường Hai Bà Trưng (TP HCM) thì bị túi nôn từ xe bus ném trúng khiến chất bẩn bám đầy trên người, quần áo.
Đa số ý kiến tỏ ra bất bình về ý thức của người tham gia giao thông và thông cảm với đôi bạn trẻ vô tình là nạn nhân. "Ý thức quá kém! Nếu rơi vào trường hợp này, mình sẽ đuổi theo, giáo dục lại ý thức cho người vứt đó", Hoàng Hải bình luận.
Bức ảnh thu hút hơn 5.000 like (thích) và hàng trăm chia sẻ, bình luận. Ảnh chụp màn hình. |
"Vật thể lạ" từ trên trời rơi xuống
Việc người tham gia giao thông bỗng dưng bị "vật thể lạ" rơi trúng không phải hiếm gặp. Khi bức ảnh nói trên được đăng tải, câu chuyện về ý thức tham gia giao thông một lần nữa trở thành chủ đề tranh cãi.
Duy Hoàng Vũ cho biết: “Đi xe ức chế nhất kiểu này. Mình đi đường sợ nhất là đi gần mấy xe khách. Những người đi phía trên khạc nhổ bay hết vào người đi sau”.
Kể lại lần đi xe máy bị người đi trước nhổ ngay bãi nước bọt vào kính mũ bảo hiểm, Thu Hằng nhận định: "Ngay giữa thủ đô mà ý thức kém quá!"
Còn Hoài Thu bức xúc: “Có hôm trời mưa, mình đang đi thì bị xe bus vượt lên làm bắn tung tóe cả nước và bùn bẩn hết người. Tức lắm mà không làm gì được. Mình cũng chỉ biết tránh né những lần sau để không bị như vậy nữa”.
Trong khi đó, Lê Quang bình luận: "Xe bus không có thùng rác vì quá chật hẹp. Trách ý thức người dân mình quá kém thôi!”.
Không ít bạn trẻ gặp phải những câu chuyện về tương tự. Ảnh chụp màn hình. |
Nhận thức giữ gìn vệ sinh chung bị bó hẹp
Trao đổi với Zing.vn, anh Trần Việt Hưng cho biết, bức ảnh do bạn anh chụp chiều 3/3 trên đường Hai Bà Trưng, TP HCM. Thấy buồn vì ý thức một số người và thương cho 2 bạn trẻ kia nên anh chia sẻ trên mạng để mọi người rút kinh nghiệm.
Cũng theo anh Hưng, do từng là nạn nhân trong những vụ việc tương tự nên anh hiểu người trong ảnh sẽ bức xúc như thế nào.
Còn tiến sĩ tâm lý Vũ Thị Thu Hương nhìn nhận, nhiều người Việt khi ngồi trên ôtô có thói quen khi có rác sẽ vứt qua cửa sổ. Hành vi cực kỳ thiếu văn hóa này lại ăn sâu vào suy nghĩ của rất nhiều người.
“Nhận thức của người Việt Nam về tiêu chuẩn vệ sinh chỉ bó hẹp trong khoảng thời gian và không gian gần họ nhất, còn những nơi công cộng khác, họ gần như không coi trọng. Nhiều người nghĩ, vứt rác ngoài đường sẽ có công nhân môi trường quét dọn", bà Hương chia sẻ.
Chuyên gia này phân tích, khi ném túi nôn ra đường nhiều người không nghĩ hành động của mình ảnh hưởng tới người xung quanh như thế nào.
Để hạn chế những sự việc tương tự, theo bà, chúng ta nên có những chế tài cụ thể và phù hợp xử lý. Bên cạnh đó, việc giáo dục mọi người, đặc biệt là trẻ em cách giữ gìn vệ sinh chung là yếu tố vô cùng quan trọng.
theo zing