Người ta thường nói, lái xe côn tay là một trải nghiệm có thể gây nghiện, nhất là đối với các tín đồ đam mê tốc độ. Nó không chỉ đơn giản là việc điều khiển một phương tiện giao thông để phục vụ nhu cầu đi lại, nó còn là một cái thú, một niềm vui với không ít người. Tuy nhiên, trước khi trải nghiệm cái thú vui đó, đầu tiên, bạn phải biết lái xe thành thạo.
Hai nguyên tắc vàng
Lái xe côn tay là thử thách rất nhiều người muốn vượt qua. |
Có hai nguyên tắc cơ bản đối với những người tập đi xe côn tay. Thứ nhất là bóp côn nhanh và nhả từ từ. Thứ hai, tốc độ nào thì số ấy.
Khác với xe sử dụng côn tự động, hệ thống ly hợp trên xe côn tay được điều khiển bởi tay côn do người lái bóp và nhả. Tay côn được đặt phía bên trái, cùng vị trí phanh sau trên những chiếc xe tay ga. Để xe chuyển động, người lái phải nhả côn từ từ cho đến khi má côn bám vào thành ly hợp, tạo ra lực ma sát khiến hộp số chuyển động và xe tiến về phía trước.
Hai nguyên tắc đầu tiên người chạy xe côn tay phải thuộc là bóp côn nhanh, nhả từ từ và tốc độ nào thì số ấy. |
Nguyên tắc đầu tiên được hiểu là khi bóp tay côn phải dứt khoát, nhưng khi nhả côn thì từ từ và đều tay. Nếu nhả nhanh, xe của bạn có thể bị vọt về phía trước và mất kiểm soát. Ngược lại, nếu nhả chậm quá sẽ khiến xe mất đà và chết máy.
Lưu ý khi nhả tay côn cần giữ ga-răng-ti hơi cao, tay ga nhích đều khi tay côn bắt đầu nhả cho đến khi xe tiến về phía trước. Nếu thao tác này không đều sẽ khiến xe bị chết máy.
Khi xe đã bắt đầu chuyển động ở vận tốc ổn định, thực chất bạn có thể sang số mà không cần phải bóp tay côn. Đây là kiểu “chạy xe côn sống”, một thuật ngữ được giới biker thường sử dụng. Nguyên nhân là bởi khi vòng tua máy tương ứng với tốc độ xe thì má côn không còn bám vì vậy việc chuyển số rất dễ dàng. Tất nhiên, để chạy côn sống đòi hỏi khả năng sang số và ngắt tay ga phải điêu luyện, nếu không rất dễ vỡ hộp số.
Nguyên tắc thứ hai là tốc độ nào thì đi số đó. Khi bạn chạy từ 0-5 km/h nên đi số 1, từ 5-20 km/h đi số 2, từ 20-40 km/h đi số 3, trên 40 km/h đi số 4… Mục đích của nguyên tắc này là khiến chiếc xe không bị chết máy, đồng thời tạo hiệu suất tối ưu cho động cơ nhằm tiết kiệm xăng. Khi dừng đèn đỏ, nên trả về số 0.
Khi tốc độ đã ổn định, bạn có thể "chạy côn sống". |
Thao tác sang số
Xe côn tay có cấu tạo hộp số vuông chứ không phải hộp số tròn như trên những chiếc xe côn tự động. Chính vì vậy, bạn cần phải rèn luyện kỹ năng vào số trước khi chạy thật sự.
Những chiếc xe côn tay như Suzuki Raider bao gồm 6 số. Được sắp xếp theo thứ tự 1N2345. Trước khi chạy, bạn phải đưa xe về số 0 bằng cách móc nhẹ về phía sau. Khi bắt đầu chạy, dẫm mạnh về phía trước thì sẽ vào số 1. Từ số 1, muốn lên số 2, bạn móc mạnh về sau. Cứ tiếp tục móc về phía sau cho tới khi xe tới số cao nhất (trên Raider giới hạn ở số 5). Để trả số, bạn dẫm về phía trước, từ số 5 sẽ chuyển xuống 4 rồi lần lượt tới số 1. Để trả về số 0, dù đang ở bất kỳ số nào, bạn chỉ cần móc nhẹ một nửa hành trình của cần số về sau.
Trên đây là những kỹ thuật cơ bản do các kỹ thuật viên của Suzuki hướng dẫn trong buổi offline lái thử xe côn tay Raider vừa được tổ chức tại Bình Dương vào ngày 28/9 vừa qua.
Ngoài ra, có một số lưu ý khi chạy xe côn tay. Xe đời cũ khó chạy hơn xe đời mới rất nhiều, do dễ bị chết máy khi nhả côn và vào số. Vì vậy, đối với những bạn mới tập chạy xe côn tay, nhất là nữ, nên thử sức với những chiếc xe đời mới.
Bên cạnh đó, những chiếc xe phân khối lớn cũng khá nguy hiểm, bạn chỉ nên chạy dòng xe này sau khi đã biết chạy côn tay thành thạo. Những dòng xe côn tay dưới 150cc sẽ rất phù hợp cho những người mới tập chơi. Nếu có điều kiện, bạn sẽ nâng cấp lên những dòng xe công suất cao sau khi đã thành thục tất cả những kỹ năng.
theo Zing