Với liên tiếp 7/8 phim trình chiếu trong 3 tháng qua đều bị xếp loại cấm trẻ em, người ta buộc phải tự hỏi chuyện gì đang xảy ra trên màn ảnh phim Việt?
Việc xếp loại phim ở nước ta hiện chỉ có cột mốc duy nhất là cấm hoặc cho phép người trên 16 tuổi vào rạp. Dù đây là hạn chế đòi hỏi phải có một hệ thống phân loại theo từng độ tuổi cụ thể, phản ánh độ biến chuyển, trưởng thành tâm sinh lý ở lớp khán giả trẻ tuổi. Nhưng người ta có thể tạm chấp nhận, 16+ là ranh giới hiện có để ngăn trẻ em tiếp cận với những nội dung, hình ảnh, ngôn ngữ chỉ thích hợp với người lớn.
Các phim bị xếp loại 16+ gần đây gồm: Mất xác, Đoạt hồn, Scandal: Hào quang trở lại, Hiệp sĩ mù, Lạc giới, Hương ga, Bước khẽ tới hạnh phúc. Chúng đa dạng về đề tài và thể loại, nhưng tựu chung có ba yếu tố để phải giới hạn độ tuổi, gồm: tình dục, bạo lực và siêu nhiên.
Cảnh trong phim Hương ga. |
Những cận cảnh "nóng mặt" khán giả
Tình dục trước nay vẫn luôn là lý do dễ khiến phim bị xếp loại cấm trẻ em. Bất cứ nội dung hay hình ảnh nào ám chỉ tới tình dục đều gây những phản ứng rất nhạy cảm từ phía người xem lẫn truyền thông. Không ít thì nhiều, nhóm phim trên đều "dính" đến yếu tố này. Những cảnh tấn công tình dục hay ân ái gần như rải đều khắp từ đầu đến cuối Hương ga, với diễn xuất chính của Trương Ngọc Ánh và Kim Lý.
Phim này kể lại hành trình từ một nữ sinh hiền lành đất cảng trở thành bà trùm khét tiếng trong giang hồ Sài Gòn. Dù chỉ dừng lại ở mức độ bán khỏa thân và không trực diện, nhưng phim lại làm “nóng mặt” khán giả vì những cận cảnh cơ thể, rõ mồn một và sắc nét trên màn hình lớn.
Hai phim Bước khẽ đến hạnh phúc và Lạc giới thậm chí táo bạo hơn với cảnh khỏa thân hoàn toàn của các diễn viên chính. Phim đầu kể chuyện cô gái Mỹ gốc Việt (Ngân Khánh đóng) phải lòng một anh chàng nghệ sĩ (Quách Ngọc Ngoan) trong chuyến về làm việc tại quê hương.
Cảnh cả hai đứng “trần trụi” trên một công trình cao ốc đang xây để nhìn xuống thành phố về đêm đã làm khán giả ngượng chín người, bật ra tiếng cười vì sự đột ngột, vô duyên lẫn không cần thiết của nó.
Ở Lạc giới, cảnh khỏa thân chỉ dừng lại ở mức độ… tắm chung, không gắn với nội dung tình dục cụ thể. Nhưng câu chuyện về gã tội phạm có tình cảm và “mặn nồng” cùng lúc với cô y tá và chàng bệnh nhân ở chung nhà, chắc chắn không phải là điều mà các phụ huynh lựa chọn cho con em mình.
Các phim còn lại thuộc thể loại hành động và kinh dị, nên yếu tố tình dục được giảm bớt, chỉ dừng ở mức độ nhấn nhá cho có hương vị lãng mạn, hoặc các cảnh tấn công tình dục làm nổi bật hiện thực khô khốc và thù hận. Hoặc việc hài tục cũng có thể khiến phim bị xếp 16+.
Cảnh trong phim Hiệp sĩ mù. |
Từ rượt đuổi tới tra tấn
Bạo lực là nguyên nhân chính tiếp theo khiến phim bị xếp loại cấm trẻ em. Nhóm 7 phim trên đều có các cảnh rượt đuổi, đánh đấm, đâm chém hoặc bắn giết, nhưng ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Dẫn đầu trong tính chất bạo lực phải kể tới Hiệp sĩ mù của đạo diễn Lưu Huỳnh và Hương ga của Cường Ngô. Hai phim này từ đầu đến cuối tràn ngập các cảnh giang hồ thanh toán, hoặc tra tấn lẫn nhau.
Cả hai mô tả rất cận các cảnh máu me và thương tích, phim vượt xa các tiêu chí thông thường trên thế giới về những màn chiến đấu (thường trong phim sử thi hoặc cổ tích) mà trẻ em có thể xem, đó là không đổ máu, không thương tích, các hành động tấn công chỉ thoáng qua.
Một yếu tố quan trọng làm gia tăng cảm giác bạo lực ghê rợn, đó là các hành vi tội ác thường được thực hiện bằng hung khí (dao, rựa, kiếm, mã tấu...) hơn là bằng súng. Để hư cấu gần hơn với hiện thực cuộc sống, các phim đều phải chú trọng yếu tố này. Điều này giải thích vì sao các phim kinh dị như Đoạt hồn, Mất xác hay Scandal: Hào quang trở lại dù không nhiều hành động bạo lực, nhưng mỗi khi diễn ra thường rất ghê sợ.
Nguyên nhân cuối cùng khiến phim bị xếp 16+ là các nội dung siêu nhiên, thần bí hoặc mô tả tội ác kinh khủng. Nhóm phim kinh dị nói trên đều có những nội dung này ở mức độ khác nhau. Dù đã được xếp loại cấm trẻ em, nhóm này vẫn thường được Hội đồng duyệt phim yêu cầu cắt bớt các cảnh chém giết.
Hoặc với phim siêu nhiên, hồn ma, bùa chú, phải được kết thúc bằng tình tiết cho thấy những gì khán giả vừa xem chỉ là... một giấc mơ. Đây là lý do khiến nhiều người cho là đã làm bộ phim kinh dị Đoạt hồn của đạo diễn Hàm Trần dở đi rất nhiều.
Cảnh trong phim Đoạt hồn. |
Về lý thuyết, việc bị hạn chế người xem có thể gây hại đến doanh thu, nếu các rạp chiếu làm nghiêm việc yêu cầu khán giả xuất trình giấy tờ chứng minh đủ tuổi vào xem. Nhưng ở đây, sự lạm phát nội dung người lớn cho thấy các nhà sản xuất đã không đặt nặng vấn đề này. Thống kê của nhiều hệ thống rạp cho thấy hơn 70% lượng khán giả đến rạp là những người từ 18 đến 30 tuổi.
theo zing