Một số công nghệ dường như bất khả thi đã được chứng minh là có thể triển khai được, nhưng vẫn có một số chướng ngại cần vượt qua.
Những công nghệ tân tiến một thời dường như chỉ nằm gọn trong lĩnh vực khoa học viễn tưởng đang xâm nhập vào cuộc sống của chúng ta với tốc độ chóng mặt. Một số công nghệ dường như bất khả thi đã được chứng minh là có thể triển khai được, nhưng vẫn có một số chướng ngại cần vượt qua. Một số khác đã trở thành thực tiễn.
10. Robot biến hình
Nếu bạn đã xem Teminator 2, hẳn bạn không còn lạ gì việc Robot T – 1000 uốn mình qua những khoảng không gian chật hẹp bằng cách chuyển mình thành dạng lỏng. T – 1000 cũng có khả năng tự sửa chữa mình theo cách tương tự. Giờ đây, điều đó đã trở thành hiện thực khi những nhà khoa học tại học viện công nghệ Massachusettes tự tạo ra một phiên bản T – 1000 có khả năng thay hình đổi dạng.
Cơ quan quản lý các dự án nghiên cứu cao cấp Bộ quốc Phòng (DARPA) muốn tạo những robot có khả năng biến đổi hình dạng như bạch tuộc. ĐIều này có nghĩa là chúng phải tự uốn mình để lách qua những khoảng không chật hẹp và rồi lại có thể phình to ra. Trong điều kiện phẫu thuật, những robot này sẽ có khả năng đi đến một vị trí xác định trong cơ thể người mà không gây tổn hại đến mạch máu hay nội tạng. Và sau đó, chúng có thể thực hiện những thao tác phẫu thuật cần thiết. Trong tình huống tìm kiếm cứu nạn, những robot này cũng có thể nhanh chóng vượt qua địa hình hiểm trở để tìm ra nạn nhân.
Để đạt được những mục tiêu này, những nhà khoa học cần đến một nguyên liệu có thể biến đổi giữa dạng rắn (khi robot cần điều khiển dụng cụ hoặc thực hiện tao thác) và dạng lỏng (khi robot cần lách qua chướng ngại vật). Cuối cùng, họ đã chọn bọt polyurethane, một nguyên liệu rẻ tiền có khả năng luồn lách qua những khoảng không cực kỳ chật hẹp và sau đó tái tạo lại hình dạng ban đầu. Rồi họ phủ lên 1 lớp sáp, vốn rất rẻ và phổ biến ở tiệm tạp hóa, đồng thời gắn dây dẫn điện đến. Nguyên lý hoạt động khá đơn giản: khi có dòng điện, năng lượng sẽ chuyển sang dạng nhiệt, lớp sáp có khả năng biến từ dạng rắn sang dạng lỏng, và ngược lại khi ngắt điện.
9. Điều khiển vật thể bằng suy nghĩ
Điều khiển vật thể bằng suy nghĩ không còn là ý tưởng điên rồ chỉ thấy trên phim ảnh nữa – khi dự án “Brainflight” ra đời. Đây là dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, nhằm mục đích điều khiển máy bay chỉ sử dụng những tín hiệu phát ra từ não bộ. Những nhà nghiên cứu muốn các chuyến bay trở nên dễ dàng hơn, rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn với mọi người – đồng thời giảm đi gánh nặng cho các phi công.
Những thử nghiệm ban đầu đã cho ra kết quả đáng kinh ngạc. Khi đội chiếc mũ có gắn các điện cực, các sóng não sẽ được chuyển thành hiệu lệnh điều khiển máy bay. Phi công không cần phải chạm vào thiết bị điều khiển, thay vào đó, chúng tự động di chuyển. Điều này hoàn toàn khác với việc đọc trí não, nó đơn thuần chỉ là các tín hiệu sóng não hoạt động dựa trên các sơ đồ được thiết kế bởi các nghiên cứu viên. Vị trí của máy bay sẽ liên tục được điều chỉnh cho đến khi nó hạ cánh an toàn – tất cả thông qua trí não
8. Thay đổi thời tiết
Hô mưa gọi gió, dừng bão ngăn lụt dường như là ước mơ từ lâu của con người và khoa học đang ngày càng tiến gần đến việc điều khiển thời tiết theo ý mình.
Những nhà nghiên cứu thuộc Đại học Florida và Đại học Arizona đang hướng đến việc bắn chùm tia laser năng lượng cao vào các đám mây để tạo ra mưa hoặc sấm sét theo ý mình. Những nhà nghiên cứu khác thậm chí đã tạo ra các hiện tượng điện học trong các đám mây, dù họ vẫn chưa kích hoạt ra được sét.
Những nhà nghiên cứu thuộc đại học Florida và Arizona gặp phải khá nhiều vấn đề. Trước hết, họ phải bảo đảm rằng chùm tia laser này không bị phát tán trước khi đến được mục tiêu. Họ cũng cần bắn chùm tia này từ một khoảng cách an toàn để tránh bị sét đánh. Để khắc phục những vấn đề này, học quyết định sử dụng chùm tia laser thứ 2 bao quanh chùm tia cường độ cao ban đầu. Sáng kiến này đã giúp chùm tia laser có khả năng đi xa hơn ban đầu rất nhiều.
Với phương pháp này, họ đã nâng tầm bắn của tia laser từ 25 cm lên đến 2 mét. Nhiều người tin rằng, khoảng cách này có thể được nới rộng lên đến hơn 50 mét. Điều này sẽ giúp chúng ta kiểm soát mưa và sấm sét trên diện rộng.
7. Sóng kéo
Những chùm tia được dùng để kéo vật thể về phía bạn hay phi thuyền của bạn là chuyện thường thấy trên phim khoa học viễn tưởng, đặc biệt là Star Wars và Star Trek. Dường như điều này tương phản hoàn toàn với các quy luật vật lý trong thế giới thực. Tuy nhiên, gần đây, các nhà khoa học thuộc đại học Australia đã phát triển loại chùm tia này trên nước. Theo trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Horst Punzmann, họ đã tìm ra cách “tạo ra các sóng có khả năng buộc vật thể trôi ngược chiều sóng”. Nói cách khác, những sóng nhân tạo này có khả năng kéo vật thể về phía nó.
Sử dụng 1 bể thử, họ đã tìm ra cách di chuyển quả bóng bàn theo phương hướng mong muốn bằng cách khống chế tần số và biên độ của các sóng phát sinh. Họ khám phá ra rằng các sóng ba chiều này di chuyển trên mặt nước theo các mô hình khác nhau. Một trong số những mô hình này chính là sóng kéo – sóng có khả năng kéo vật thể ngược hướng di chuyển của mình.
Các nhà vật lý học thuộc đại học Dundee thậm chí còn đang phát triển một loại sóng âm có khả năng di chuyển vật thể có kích thước 1 cm. Tuy nhiên, cho đến nay, những sóng loại này vẫn chỉ có thể di chuyển được những vật có kích thước siêu nhỏ. Khoa học đã từng thành công trong việc sử dụng năng lượng siêu âm để tạo ra lực tác động lên sau vật thể và di chuyển nó về phía thiết bị phát ra sóng. Họ tin rằng công nghệ này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của siêu âm trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là y tế.
6. Tricorder
Một thiết bị khác cũng khá quen thuộc trong Star Trek là Tricorder, thiết bị thường được sử dụng bởi bác sỹ McCoy để tầm soát bệnh nhân khi cần chẩn đoán. Những nhân vật khác thì dùng thiết bị này để rà soát sự sống hoặc phân tích bề mặt của các hành tinh. Hiện nay, sự phát triển của khoa học đã giúp tricorder trở nên ngày một khả thi hơn trong một tương lai không xa.
Tại đại học Southamton, các nhà khoa học đang phát triển một thiết bị y học cầm tay sử dụng các thành phần điện tích như các cảm biến hóa học phục vụ cho mục đích chẩn đoán. Điều này cho phép định lượng mẫu protein của bệnh nhân ngay tại giường. Thiết bị này giúp làm giảm giá thành và thời gian cần thiết, từ đó bệnh nhân có thể được điều trị ngay lập tức, thay vì phải chờ đợi thời gian gửi mẫu bệnh phẩm tới phòng xét nghiệm.
Các nhà khoa học tại đại học Missouri cũng đang phát triển một loại tricoder khác sử dụng nguồn phóng xạ siêu nhỏ. Điều này giúp làm giảm các phơi nhiễm không cần thiết với phóng xạ, thêm vào đó, giúp Xquang trở nên dễ tiếp cận hơn với các khu vực kém phát triển. Nó cũng có thể được dùng trong nha khoa, nhằm làm giảm phơi nhiễm của bệnh nhân với phóng xạ.
Không chỉ trong y học, tricorder còn hứa hẹn sẽ rất hữu dụng trong chiến đấu. Nó sẽ giúp các nhà quân sự thu thập thông tin về địa hình, vũ khí cũng như các trang thiết bị nguy hiểm khác trên một diện rộng. Thêm vào đó, những máy quét này còn hỗ trợ đắc lực cho công cuộc thám hiểm tại nhiều nơi mà con người chưa thể đặt chân đến.
theo genk