Thành phố biển Đà Nẵng từ lâu vốn được ngợi ca với nhiều điểm du lịch ấn tượng. Trong đó cụm núi Ngũ Hành là danh lam thắng cảnh thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tới thăm mỗi năm. Ngũ Hành Sơn từ xưa được coi là Nam Thiên Danh Thắng với 5 ngọn Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn.
Theo tương truyền, vào đầu thế kỷ XIX, vua Minh Mạng là người có công phát hiện ra dãy núi khi ông vi hành tới đây. Sự ưu ái của thiên nhiên dành cho Ngũ Hành Sơn thể hiện rõ trên hệ thống hang động kỳ bí. Trong đó, động Âm Phủ được coi là hang lớn nhất và phức tạp hơn so với các quần thể hang động khác thuộc thắng cảnh núi Ngũ Hành.
Lối vào cửa động Âm Phủ - cầu Âm Dương
Trong động Âm Phủ được chia làm hai ngả, một ngả lên Thiên Đường và một ngả xuống Địa Ngục. Trước cửa động là chiếc cầu Âm Dương. Theo tương truyền, đây là cầu bắc qua sông Nại Hà - nơi linh hồn người đã khuất đi qua. Được biết, những nghệ nhân làng mỹ nghệ Non Nước đã làm chiếc cầu này và đặt ở đây hàng trăm năm trước.
Động có 12 cửa ngục, mỗi cửa là một vị quan cai quản. Men theo lối đi nhỏ hẹp là tiếng gió thổi âm u trong lòng động sâu hun hút. Trong lòng động xuất hiện các khung cảnh tái hiện truyền thuyết về âm phủ như tượng "đầu trâu mặt ngựa" đang tùng xẻo người có tội, suối Giải Oan để gột rửa oan ức, cân Công Lý để cân nhắc công và tội con người... Nhiều hình phạt khủng khiếp với người mang tội khibị đày xuống Địa Ngục được mô phỏng rõ nét như nấu dầu, ngồi bàn chông, bị trói vào cột đồng châm lửa đốt…
Cân Công Lý
Trong thuyết âm dương, cuộc sống con người và vạn vật luôn có sự đối lập. Bởi vậy, trong động Âm Phủ còn có cả đường lên trời giống như sự phân minh giữa Ác và Thiện. Khác với đường xuống địa ngục, lối lên Thiên Đường là những bậc thang được phủ sáng tự nhiên. Khu vực "đỉnh trời" hướng nhìn ra biển. Bên dưới là làng mỹ nghệ Non Nước và khung cảnh rất nên thơ.
Đường lên trời trong động Âm Phủ
Tham quan động Âm Phủ của núi Ngũ Hành, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến tạo thiên nhiên kỳ vỹ, còn được tìm hiểu nhiều câu chuyện truyền thuyết dân gian thú vị, thấm thía những triêt lý sâu xa nhà Phật.
Theo dantri