Du khách về với phố Hội, thường sắp xếp lịch trình để có thể đến Hội An vào đêm rằm 14 âm lịch hàng tháng để thưởng thức trọn vẹn không gian đêm phố cổ không ánh đèn điện, lung linh ánh đèn lồng, nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn, nhất là tản bộ tận hưởng đêm phố bình yên, dừng chân xem một ván cờ hay thưởng thức biểu diễn nghệ thuật đường phố.
Sau 16 năm, “Đêm phố cổ” vẫn phát huy giá trị, tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách, và thực sự trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch riêng có ở Hội An, một bữa tiệc tinh thần với du khách và với cả người dân phố cổ.
Theo thống kê của Phòng thương mại - du lịch Hội An, hàng tháng, cứ có hoạt động “Đêm phố cổ” thì lượng khách lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn tăng trung bình 262,69%. Con số này vẫn chưa thống kê được lượng khách lưu trú tăng đột biến tại các cơ sở lưu trú ở những địa phương lân cận như Điện Bàn (Quảng Nam), Đà Nẵng trong các đêm rằm 14 âm lịch hàng tháng.
Có thể nói “Đêm phố cổ” đã góp phần đưa Hội An trở thành mảnh đất của lễ hội, được công nhận là một địa phương giỏi làm du lịch văn hóa. Trên các trang thông tin du lịch uy tín quốc tế, Hội An liên tục được du khách nhớ đến và bình chọn “Hội An, thành phố được yêu thích nhất thế giới”, “Hội An, thành phố cảnh quan 2013”, “Hội An nằm trong top 20 địa điểm thú vị để tận hưởng cuộc sống về đêm”…
Tuy nhiên, ngành văn hóa du lịch thành phố thẳng thắn thừa nhận “Đêm phố cổ” vẫn còn nhiều tồn tại cần chấn chỉnh được đưa ra tại buổi Tọa đàm. Một câu hỏi được đặt ra là sau một thời gian thực hiện rất tốt, có phải năm ba năm trở lại đây Hội An đã có dấu hiệu thoả mãn, chủ quan, xuống cấp, thiếu kiểm tra-đôn đốc thực hiện đúng quy định hoạt động “Đêm phố cổ”?
Biểu hiện là đã bắt đầu có hiện tượng không đúng với quy định như lực lượng quản lý, người phục vụ trong các cửa hàng, cửa hiệu, người bán hàng rong không còn mặc trang phục truyền thống; việc sử dụng đèn nê-ông, đèn compact, đèn LED trắng để kinh doanh, thắp sáng; việc bày bán các mặt hàng lưu niệm, giày dép, túi xách… tràn lan lấn chiếm vỉa hè; việc bày bán hàng hóa sử dụng tủ hiện đại; các quày, gánh bán hàng ăn uống không sử dụng các vật liệu truyền thống, dùng me-nu; các hàng rong, hàng quán ven đường xả rác thải, nước thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường…
Nhiều ý kiến đóng góp cho rằng giải pháp để chấn chỉnh tất nhiên là tăng cường kiểm tra, đôn đốc chấp hành quy định trong hoạt hoạt động “Đêm phố cổ”. Đồng thời, Hội An cần quản lý chặt chẽ hơn về giá cả các dịch vụ du lịch, hàng lưu niệm… Niêm yết giá cả công khai và kiểm soát việc thực hiện là điều thiết yếu để tránh cảnh “hét giá” khiến du khách mất lòng và một đi không trở lại như điểm yếu thường thấy ở một số địa danh du lịch.
Quan trọng hơn hết nữa là tuyên truyền, phổ biến làm sao để người dân, những người buôn bán mưu sinh trong phố cổ đồng hành cùng chính quyền thành phố để có thể ăn nên làm ra lâu dài từ sức hút của hoạt động “Đêm phố cổ”.
Ông Nguyễn Sự, Bí thư thành phố Hội An kể lại cái buổi tối đầu tiên Hội An có đêm phố cổ, người kín cả các tuyến phố trung tâm. Đường nào cũng người không là người. Người đi trên phố, mặt người đi trước, đi dạo phố mà chân nhích từng bước. Rồi bao nhiêu thay đổi kéo theo. Người dân phản ứng dữ lắm. “Anh em chúng tôi (lãnh đạo chính quyền, ngành chức năng thành phố) ngồi lại họp với nhau, lo lắng khó mà duy trì được hoạt động nếu cứ cái kiểu này. Nhưng rồi chúng tôi kiên trì vận động từng nhà dân hiểu và chung tay với chính quyền thành phố. Cái chi chưa được thì chỉnh…” - ông Sự nói.
Có thể nói, nếu không được lòng dân, chắc chắn sẽ không có một “Đêm phố cổ” ở Hội An nổi như cồn trên các kênh thông tin văn hóa du lịch cả trong và ngoài nước và được du khách khắp các nước trên thế giới ưa chuộng.
Theo dantri