Phú Yên - xứ sở của “hoa vàng cỏ xanh” - là điển hình mới nhất cho những thành công về mặt du lịch mà trong đó, điện ảnh góp phần quan trọng vào công tác quảng bá.
Tôi đến Phú Yên 3 lần, đều trước khi có sự xuất hiện của bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ. Dù là những điểm du lịch đã được báo chí hết lời ngợi ca: gành Đá Đĩa, Bãi Môn - Mũi Điện, nhà thờ đá Mằng Lăng, Tháp Nhạn..., nơi nào cũng đều hoang sơ và vắng khách du lịch. Chỉ vào những dịp lễ, Tết, khách mới đến đây đông hơn ngày thường. Nhưng nếu so sánh với những tiềm năng và lợi thế mà Phú Yên có được, có lẽ, số lượng khách đó chưa tương xứng.
Bãi Môn - Mũi Điện ở Phú Yên. Ảnh: Lê Minh. |
Thế nhưng, dịp Tết Bính Thân vừa qua, cô bạn quê Phú Yên hớn hở khoe nơi đây đông khách du lịch đến lạ thường. Bãi biển nằm ở thành phố Tuy Hòa mỗi ngày đón tiếp hàng nghìn lượt khách đến tắm biển, vui chơi. Phú Yên yên bình và hiền hòa ngày nào trở nên tấp nập, sôi động khiến những người con nơi đây cũng cảm thấy háo hức và hân hoan hơn.
Tại những địa danh du lịch nổi tiếng, khách đến đây cũng đông hơn thường lệ. Gành Đá Đĩa và Mũi Điện giờ còn có dịch vụ thu vé vào cổng. Khắp nơi ở Phú Yên, người ta treo những tấm biển “địa điểm quay bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" như một cách mời gọi, tiếp thị du lịch đơn giản mà hiệu quả. Rất đông bạn bè trong nhóm phượt của chúng tôi lên kế hoạch, chuyến đi đầu tiên điểm đến sẽ là Tuy Hòa và nhiều địa danh khác ở Phú Yên.
Với những thành công đó, không ít người tự nhủ, sau nhiều năm làm công tác quảng bá du lịch không thật sự hiệu quả như mong đợi, chỉ cần một bộ phim, du lịch Phú Yên giờ đã đổi đời, trở thành một trong những địa điểm không thể bỏ qua trong hành trình khám phá dải đất hình chữ S của những người mê du lịch trong và ngoài nước.
Trước đây hàng loạt các địa danh nổi tiếng ở Việt Nam đều có được những tác động tích cực không hề nhỏ từ điện ảnh.
Một hiện tượng du lịch Việt năm 2015 khác là Phong Nha -Kẻ Bàng (Quảng Bình), đặc biệt là hang Sơn Đoòng, hang Én. Ngoài việc xuất hiện trong chương trình Good Morning America phát sóng trên kênh ABC (Mỹ), Sơn Đoòng cũng xuất hiện trong dự án Bản hòa tấu Sơn Đoòng của VTV. Đặc biệt hơn, khi bộ phim Peter Pan phát hành vào cuối năm 2015, hang Én với những bối cảnh lung linh trên phim đã được ngợi ca hết lời. Sơn Đoòng cùng các hang động đẹp ở Quảng Bình giờ luôn có mặt trong top những điểm đến được các chuyên trang du lịch, các tổ chức quốc tế hàng đầu bình chọn.
Hang Én thuộc rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được lựa chọn làm bối cảnh cho bộ phim Peter Pan. Ảnh: Loca.vn. |
Hội An - di sản văn hóa thế giới được công nhận từ năm 1999 - rất có sức hút đối với du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Đó cũng là lý do để hàng loạt các nhà làm phim trong nước lựa chọn đây là điểm đến cho những cảnh quay vừa mang nét cổ kính, trầm mặc vừa giàu tính truyền thống. Có thể kể đến Hoài Phố (Ngô Thanh Vân - Cường Ngô), Scandal: Hào quang trở lại (Victor Vũ), và trước đó là Dòng máu anh hùng (Charlie Nguyễn). Khán giả đã không hề tiếc lời khi Hội An với những góc nhỏ, ngõ nhỏ quen thuộc hay lung linh trong đêm hoa đăng trở nên bừng sáng trên phim. Dù khó có thể đo được một cách chính xác hiệu quả của phim ảnh đến du lịch Hội An như trường hợp của Phú Yên, nhưng không thể phủ nhận, phim ảnh vẫn là hình thức quảng bá hữu hiệu.
Khu danh thắng Tràng An, Ninh Bình cũng là một điển hình của việc “hôn phối” thành công giữa điện ảnh và du lịch. Địa danh nổi tiếng với non nước hữu tình, có chùa Bái Đính lập nhiều kỷ lục châu Á, có hệ thống hang động tuyệt đẹp... này trở thành điểm đến yêu thích của những người mê du lịch. Nhưng phải đến năm 2012, khi bộ phim Thiên mệnh anh hùng (đạo diễn Victor Vũ) được công chiếu trên màn ảnh rộng, nhiều người mới ngỡ ngàng. Nếu xét về tính thời điểm, lúc đó việc PR chưa được rầm rộ như hiện nay và thậm chí nhiều người không biết phim được quay tại Tràng An, Ninh Bình và nhiều bối cảnh lân cận. Nhưng, giờ đây khi câu chuyện kết hợp giữa điện ảnh và du lịch trở thành vấn đề thời sự nóng hổi, Ninh Bình thực sự là điểm đến hút khách.
Khi đoàn phim Hollywood Kong: Skull Island (Còn có tên gọi khác là Titan) thực hiện những cảnh quay tại Ninh Bình trong tháng 2, địa danh này hứa hẹn sẽ tiếp tục là điểm đến hot thời gian tới.
Danh thắng Tràng An - Ninh Bình. Ảnh: Hoàng Anh - Mạnh Thắng. |
Một trường hợp cho thấy tác động mạnh của phim ảnh đối với du lịch phải kể đến Chuyện của Pao vào năm 2004 với bối cảnh tại Hà Giang. Ngôi nhà nơi cô Pao trong phim sinh sống giờ trở thành địa điểm du lịch mà bất cứ ai đến với vùng đất “đá nở hoa” này cũng đều ghé thăm. Đây có lẽ là trường hợp điển hình của cái gọi là “hữu xạ tự nhiên hương” khi địa danh này suốt một thời gian dài không được PR đình đám, mà chủ yếu qua lời truyền miệng của những người thích du lịch. Ở Việt Nam, hàng loạt địa danh như vịnh Hạ Long, cù lao Chàm, phố cổ Hà Nội, sông nước miền Tây... cũng đã có những thay đổi tích cực sau khi có nhiều dự án phim được thực hiện.
Cuộc “hôn phối” giữa du lịch và điện ảnh cũng có những mặt hạn chế cần được nhìn nhận. Điển hình như ở Phú Yên, lượng khách tăng đột biến cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Dịp Tết vừa qua, một phóng sự trên truyền hình đã phản ánh vấn nạn rác thải tràn lan trên các bãi biển nơi đây.
Khi các địa danh trở nên hút khách, các dịch vụ đi kèm chưa tương xứng cũng là bài toán nan giải. Phát triển du lịch không phải là trào lưu hay hiện tượng nhất thời mà cần có sự tính toán, quy hoạch dài hạn mang tính chiến lược, để vừa khai thác, vừa bảo vệ những tài nguyên này một cách hợp lý và có hiệu quả.
theo zing
Thứ ba, 14/01/2025 08:43
150 lượt xem