Đô đốc Yi Sun-shin (Lý Thuấn Thần) vốn là tên của vị tướng thủy quân nổi tiếng của Joseon, đã lập nhiều công trạng trong chiến đấu chống hải quân Nhật Bản xâm lược.
Ngày nay, Yi Sun-shin vẫn được nhân dân Hàn Quốc tôn thờ, bức tượng đài về ông được đặt ngay giữa quảng trường Gwanghwamun ở trung tâm thủ đô Seoul là minh chứng rõ ràng nhất. Làm phim về một nhân vật vĩ đại trong lịch sử như vậy hẳn là một thử thách không nhỏ cho đạo diễn Kim Han-min và đoàn làm phim, nhưng họ đã không làm mọi người thất vọng khi mang tới một bộ phim sử thi bi tráng đầy tinh thần yêu nước.
Choi Min-sik - người nổi tiếng với các vai diễn trong Oldboy, I Saw the Devil… và mới đây nhất là Lucy - đảm nhiệm vai vị đô đốc hải quân huyền thoại của Hàn Quốc, Yi Sun-shin.
Bộ phim Đại Thủy Chiến dựa trên trận chiến có thật trong lịch sử tại Myeongnyang năm 1597, nơi đô đốc Yi dẫn 12 chiến thuyền chống lại hạm đội hơn 330 thuyền của quân Nhật. Ở thời điểm đó, hơn một vạn quân Joseon đã đại bại ở Imjin. Yi quyết định làm trái chiếu chỉ ban đầu của triều đình, dẫn 12 chiến thuyền trực diện giao chiến với quân Nhật ở eo biển Myeongnyang phía tây nam Hàn Quốc hòng đưa chúng vào cái bẫy mà ông đã sắp đặt sẵn.
Liệu sự thông tuệ của Đô đốc Yi cùng lòng can đảm của quân lính liệu có thể cầm cự đủ lâu để dụ hải quân Nhật Bản vào bẫy hay không với chênh lệch lực lượng khổng lồ đến vậy?
Không cố gắng thi vị hóa một câu chuyện lịch sử vốn đã trở thành huyền thoại, hình tượng Đô đốc Yi Sun-shin khi lên phim hoàn toàn không phải một hình tượng anh hùng hoàn hảo. Đây là một Yi Sun-shin đã già yếu, bệnh tật, luôn bị ám ảnh bởi những thuộc hạ, những chiến hữu lâu năm nay đã qua đời. Đô đốc Yi thiếu tự tin cũng chẳng hề có uy tín, ông chỉ ương bướng bám lấy chiến thuật hợp lý nhất trong tình thế vô vọng hiện tại trong khi sĩ khí của quân lính cứ tuột dốc không ngừng.
Thậm chí ngay cả con trai ông, Yi Hwoe (do Kwon Yool thủ vai), người luôn bên ông trong mọi quyết định, dần dần cũng không còn tin tưởng vào khả năng của một đô đốc Yi ốm đau và mệt mỏi như thế này.
Chiến thuyền của đô đốc Yi đối mặt với hạm đội hải quân Nhật Bản
Trong khi Đại Thủy Chiến là một câu chuyện về tinh thần yêu nước trong thời khắc đen tối nhất của lịch sử, đạo diễn Kim Han-min đã rất sáng suốt khi quyết định tập trung vào nỗi sợ hãi của cả của nhân dân lẫn binh lính, tướng lĩnh thay vì giành quá nhiều thời gian cho khói lửa binh đao. Xuyên suốt nửa đầu phim là nỗi sợ của quân dân Joseon trước sự diệt vong không thể tránh khỏi, với chênh lệch lực lượng quá lớn trong trận huyết chiến sắp tới.
Đặc biệt là từ khi tên tướng Nhật Kurushima (do Ryoo Seung-ryong thủ vai) xuất hiện. Cảnh hắn gửi đầu tất cả tù binh về cho quân Joseon thật sự không kém phim kinh dị là mấy.
Kurushima (Ryoo Seung-ryong) – đối trọng của Yi Yun-shin trong phim
Ryu Seung-Ryong - vai chính trong Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 năm ngoái – một lần nữa đảm nhiệm vai phản diện chính trong phim của đạo diễn Kim Han-min (trước đó là War of the Arrows - bộ phim thắng lớn về doanh thu phòng vé Hàn Quốc năm 2011). Vai của anh là tên cướp biển lạnh lùng tàn bạo Kurushima, người ôm mối thù sâu sắc với Yu Shi-shin vì đã giết em trai mình. Kurushima không hề chủ quan khinh địch và là một đối thủ vô cùng đáng sợ của đô đốc Yi.
Phần âm thanh của phim thực sự là một điểm nhấn, các âm thanh chiến trận, tiếng binh khí giao nhau, tiếng tàu lướt sóng, hay tiếng đại bác nổ ầm ầm đều ấn tượng và chân thật. Âm nhạc cũng rất phù hợp với từng cảnh phim, hào hùng bi tráng giữa chiến trường hay réo rắt lúc cần thể hiện nội tâm nhân vật.
Phục trang và cách xây dựng đại cảnh của phim rất tốt, tàu chiến của cả hai phe đều được mô phỏng sát sao theo lịch sử. Kim Han-min, người đứng đằng sau War of the Arrows, lại một lần nữa làm nên một bộ phim cổ trang ấn tượng, lần này không chỉ là cuộc chiến giữa các cung thủ, mà là một bối cảnh rộng lớn hơn nhiều. Đoàn làm phim đã dựng nên 8 phiên bản thuyền chiến Nhật Bản và Hàn Quốc để quay phim, kết hợp với công nghệ CGI để mang đến những trận thủy chiến khốc liệt và chân thật nhất có thể.
Một ưu điểm nữa của phim là quân Nhật nói tiếng Nhật, quân Hàn nói tiếng Hàn, không vì là phim Hàn mà cho cả quân Nhật nói tiếng Hàn luôn cho dễ hiểu.
Đô đốc Yi và quân lính chuẩn bị cho trận chiến cuối cùng
Tuy có đôi chỗ kỹ xảo không thực sự hoàn hảo, nhưng khán giả hoàn toàn có thể bỏ qua bởi không khí hào hùng của trận đại chiến diễn ra suốt nửa cuối phim. Trận thủy chiến của phim rất hoành tráng, thực tế và xúc động hơn cả Xích Bích (2008) của Ngô Vũ Sâm, hay thậm chí so với Master and Commander: The Far Side of the World (2003) của Peter Weir cũng không hề kém cạnh.
Điểm trừ lớn nhất của Đại Thủy Chiến: Có vẻ do mang tâm thế là một bộ phim sử thi hùng tráng về chiến tranh, kết hợp với lối làm phim ưa thích “dài dòng” của phim Hàn nên phần lớn thời lượng đầu phim khá lan man, tạo cảm giác khó chịu cho những khán giả nào mong chờ nhiều vào những cảnh chiến tranh máu lửa.
Những khán giả yêu thích các trận chiến trong lịch sử, đặc biệt là thủy chiến, không thể bỏ qua cơ hội trải nghiệm trận đại chiến Myeongnyang này ở màn ảnh rộng.
Theo Zing