Ở cái thời mà quảng cáo trên truyền hình, báo chí đã trở nên lỗi thời thì bạn có thể tin rằng những thương hiệu trong phim không phải được xuất hiện một cách tình cờ. Chúng cũng không hẳn được xây dựng dựa trên đặc tính của nhân vật mà có thể vì một hợp đồng sắp xếp nào đó. Các chuyên gia marketing gọi đó là Product Placement (PP) - một cách lồng ghép khéo léo hình ảnh thương hiệu vào nội dung phim.
Năm 2009, Metersbonwe trở thành thương hiệu Trung Quốc đầu tiên hợp tác thành công với một bộ phim bom tấn Hollywood khi đạt được thỏa thuận đặt quảng cáo trong Transfomers 2. Sau sự kiện này, Metersbonwe bán được hơn 1 triệu chiếc áo phông Transformers, giúp hãng tăng đáng kể doanh thu.
Sự xuất hiện trong Transformers 2 đã giúp Metersbonwe tăng doanh thu đáng kể. |
Thông thường, những bản hợp đồng của các thương hiệu Trung Quốc với Hollywood có giá hơn 1 triệu USD, bao gồm việc để tên/hình ảnh thương hiệu xuất hiện trong phim và quyền sử dụng nội dung cũng như hình ảnh của phim trong những chiến dịch quảng bá sản phẩm sau này.
Trên thực tế, mối quan hệ Trung Quốc - Hollywood không khó lý giải, bởi đó là mối quan hệ 2 bên cùng có lợi tốt hơn bất kỳ sự kết hợp nào.
Với các thương hiệu "made in China" vốn gắn liền với định kiến "giá rẻ và chất lượng thấp" thì việc được xuất hiện trong một bộ phim Hollywood thực sự là cơ hội đánh bóng tên tuổi, đưa họ lên ngang hàng với các thương hiệu hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, với Hollywood, bên cạnh việc đỡ được một phần chi phí, việc đưa yếu tố Trung Quốc vào phim còn giúp các hãng khai thác được thị trường đông dân nhất thế giới với rất nhiều tiềm năng.
"10 năm trước, Trung Quốc không được coi là thị trường" - chuyên gia phim ảnh Bruce Nash phát biểu.
Tuy nhiên, việc siêu phẩm Avatar của James Cameron "đút túi" 100 triệu USD từ Trung Quốc và quyết định năm 2012 của chính phủ cho phép số phim nước ngoài được trình chiếu ở trong nước tăng từ 20 lên 34 phim mỗi năm đã đưa quốc gia này trở thành thị trường phim ảnh với các nhà sản xuất nước ngoài.
"Đạt được 100 triệu USD tại một quốc gia là một con số "khủng". Ngày nay, để có thể tạo nên bộ phim ăn khách nhất hè, các hãng thường phải chi ra 400 triệu USD. Chính vì vậy, để có thể hoàn vốn, các hãng phim phải thu được càng nhiều càng tốt từ Mỹ và Trung Quốc" - Bruce Nash nhận xét.
Với số dân lên tới 1,34 tỷ người, Trung Quốc được dự đoán sẽ vượt Mỹ trở thành quốc gia có doanh thu phòng vé nhiều nhất thế giới vào năm 2020. Chính vì lý do đó, các hãng phim của Hollywood đã chuẩn bị cho cuộc tiếm ngôi này ngay từ bây giờ bằng rất việc đưa rất nhiều yếu tố Trung Quốc vào những bộ phim của mình, từ diễn viên cho đến quảng cáo.
Liệu có trái đắng?
Sau Metersbonwe, khán giả Trung Quốc có thể thấy nhiều sản phẩm quê nhà trong phim Hollywood như Lenovo, TCL trong Transformers 3, Iron Man 3, Góa phụ đen của Scarlett Johansson trong Iron man 2 mặc đồ Semir...
Hãng sữa Yili 2 lần xuất hiện trong serie phim Transformers. |
Đỉnh điểm phải kể đến mùa hè năm nay khi có tới 25 thương hiệu Trung Quốc xuất hiện trong
Transformers 4. Bên cạnh đó, không chỉ có các thương hiệu thương mại mà ngay cả các công ty du lịch cũng tham gia cuộc chơi. Kasite đã bỏ ra 1,6 triệu USD và chấp nhận đóng cửa 5 ngày, chịu thiệt 819.500 USD tiền vé để đoàn làm phim
Transformers 4quay phim tại Vũ Long (Wulong) với mong muốn đưa địa danh này đến với thế giới.
Hình ảnh khu du lịch Vũ Long trong Transformers 4. |
Tuy nhiên, việc nhồi nhét quá nhiều mà không để ý đến ý nghĩa có thể khiến các công ty phải trả giá.
"Tại sao những chiếc xe chiến đấu ở Hong Kong lại có tay lái nằm bên trái? Tại sao một người đàn ông trung niên ở giữa sa mạc Texas lại dùng thẻ của ngân hàng xây dựng Trung Quốc để rút tiền từ ATM?" - một khán giả bày tỏ sự bức xúc trên blog sau khi xem Transformers 4.
Cedric Lam - giám đốc điều hành công ty truyền thông và phương tiện PHD - nhận xét: "Quảng cáo qua phim ảnh có thể rất hữu dụng, nhiều hơn rất nhiều so với các hình thức truyền thống. Quảng cáo online từng rất được trọng dụng nhưng ngày nay, khi nhìn thấy quảng cáo, người dùng thường chọn cách đóng lại. Vì vậy, cách tốt nhất để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng vào lúc này là gắn nó với nội dung trên truyền hình và phim ảnh.
Nếu một sản phẩm được gắn kết và thể hiện được tính năng qua diễn biến phim, nó sẽ giúp cho việc quảng cáo dễ chấp nhận hơn.
Các công ty nên quan tâm nhiều hơn tới cảm xúc của người xem. Product Placement không giống như quảng cáo, cần phải tự nhiên thì khán giả mới có thể chấp nhận hoặc muốn tìm hiểu về sản phẩm. Nếu bạn nhồi nhét quá nhiều, nỗ lực của bạn sẽ phản tác dụng".
Sự kiện một loạt công ty Trung Quốc đồng loạt kiện nhà sản xuất Transformers 4 vì không đưa đúng thương hiệu của mình trong phim như thỏa thuận cũng cho thấy sự bất hòa tiềm tàng và cả hai phía sẽ còn phải nỗ lực nhiều nếu muốn có một cuộc bắt tay ngọt ngào hơn trong tương lai.