Trong mắt phương Tây, phương Đông luôn huyền bí và nhiều huyền thoại. Con người phương Đông dường như luôn sống với nhiều ẩn ức kìm nén. Cái nhìn này không hẳn là lệch lạc mà chỉ lạ lẫm so với cuộc sống đời thường, thế nên có thể khó tiếp nhận với khán giả châu Á. Càng khai thác khía cạnh này, nhà làm phim càng thành công, hẳn nhiên khi đi kèm với một yếu tố quan trọng không kém là tài năng của họ.
Việt Nam, Trần Anh Hùng, Xích lô
Nổi danh tại các liên hoan phim quốc tế, làm phim ở nước ngoài nhưng những phim nổi tiếng nhất của Trần Anh Hùng đều lấy bối cảnh Việt Nam, nhân vật người Việt Nam, nói về xã hội Việt Nam.
Mùi đu đủ xanh (1993) từng giành giải Máy quay vàng cho phim đầu tay tại liên hoan phim Cannes, nhận đề cử giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar. Mùi đu đủ xanh đưa danh tiếng của đạo diễn ra quốc tế, mở đầu bộ ba phim Việt Nam của ông. Thời điểm đó, đất nước vừa mở cửa, dư luận quốc tế muốn hiểu thêm về Việt Nam nhưng truyền thông chưa phát triển, điện ảnh chính là một cánh cửa sổ mở ra để họ nhìn vào một Việt Nam còn đầy lạ lẫm.
Lương Triều Vỹ (phải) và Trần Nữ Yên Khê trong phim Xích lô của Trần Anh Hùng. |
Mặc dù vậy, hẳn nhiên không thể coi những bộ phim của Trần Anh Hùng là hiện thực thuần túy, Việt Nam trong phim ông là một Việt Nam đậm góc nhìn nghệ thuật.
Sau phim đầu tay còn khá hiền lành này, Trần Anh Hùng thực sự tạo dấu ấn trong sự nghiệp với phim Xích lô giành giải lớn Sư tử vàng tại liên hoan phim Venice lần thứ 52 năm 1995. Xích lô có các yếu tố bạo lực và tình dục đủ gây chú ý. Hơn thế, còn có ngôi sao điện ảnh Hong Kong Lương Triều Vỹ. Phim xoay quanh cuộc sống của những con người dưới đáy xã hội ở TP.HCM (quay ở TP.HCM và Hong Kong). Băng đảng buôn ma túy, gái điếm, người đạp xích lô trở thành kẻ cướp, những kẻ chơi gái bệnh hoạn, người thiểu năng trí tuệ... Một Việt Nam tăm tối, đầy bi kịch những năm cuối thế kỷ 20.
Hãy khoan bàn chuyện hình ảnh đó bám sát hay không bám sát hiện thực, nhưng nội dung đó phần nào đáp ứng trí tò mò của thế giới về Việt Nam khi ấy. Họ muốn thấy những mảnh đời cụ thể, những nhân vật có nội tâm sâu sắc và ấn tượng như nhà thơ (Lương Triều Vỹ đóng), người đạp xích lô (Lê Văn Lộc), bà trùm ma túy (Như Quỳnh), cô chị bị đẩy đi làm gái điếm (Trần Nữ Yên Khê) hay những nhân vật phụ như lão già thích nhìn gái điếm tiểu tiện (Mạc Can), gã thanh niên thích còng tay gái điếm (Lê Tuấn Anh)... Những chi tiết đó quả là “kinh” so với khán giả Việt Nam thời điểm phim ra mắt, thậm chí có thể cả bây giờ, nhưng một liên hoan phim quốc tế như Venice lại rất hứng thú.
Nhìn ra châu Á: Lý An và Kim Ki Duk
Nếu xét trong phạm vi châu Á, đạo diễn tài năng Lý An là một trường hợp tiêu biểu. Ông từng 2 lần giành giải Gấu vàng của liên hoan phim Berlin và 2 lần giành giải Sư tử vàng của liên hoan phim Venice, 3 trong số đó là những phim liên quan đến tình dục hoặc đồng tính (The Wedding Banquet - 1993, Brokeback Mountain - 2005 và Lust, Caution - 2007). Nhưng cũng cần khẳng định rằng tài năng của Lý An có thể biến mọi đề tài trở thành nghệ thuật.
The Wedding Banquet kể về tình yêu giữa 2 người đàn ông, một gốc Hoa một Mỹ, sống ở Manhattan. Người gốc Hoa bị gia đình buộc phải lấy vợ. Để che giấu gia đình, anh quyết định giả kết hôn với một nữ ca sĩ gốc Hoa để cô này có được thẻ xanh. Nhưng cuối cùng, tình yêu đồng tính của họ vẫn vỡ lở. Dù chạm đến một đề tài khó ở thời điểm khá sớm, năm 1993, nhưng giá trị nghệ thuật của The Wedding Banquet vẫn được công nhận xứng đáng khi phim đoạt giải Gấu vàng tại liên hoan phim Berlin.
Lại là Lương Triều Vỹ (trái) và Thang Duy trong Sắc giới của Lý An |
Brokeback Mountain thì đã quá nổi tiếng nhờ dàn diễn viên hạng A và đưa Lý An đến với giải Oscar Đạo diễn xuất sắc. Brokeback Mountain đã mang đến cho khán giả một tình yêu đồng tính kinh điển và cực kỳ sâu nặng giữa 2 chàng cao bồi Mỹ. Nhưng xung quanh bộ phim cũng là không ít tranh cãi khi 2 diễn viên chính Heath Ledger và Jake Gyllenhaal có những cảnh khỏa thân, ân ái. Đó cũng là nguyên do phim bị cân nhắc lên, cân nhắc xuống khi duyệt ra rạp ở nhiều nước.
Nhưng gây tranh cãi nhất phải kể đến Sắc, giới - Lust, Caution. Bộ phim kể về chuyện một nhóm thanh niên làm cách mạng, âm mưu gài bẫy một tên trùm chính trị, cuối cùng tất cả họ đều bị hắn giết. Nhưng những diễn biến đó đều lu mờ trước hàng loạt cảnh sex quá bạo liệt giữa 2 nhân vật của Lương Triều Vỹ và Thang Duy, đến nỗi sau này, đó là tất cả những gì người ta nhắc đến khi nói về Sắc giới. Vì phô bày toàn bộ cơ thể trong phim, nữ diễn viên Thang Duy đã bị cấm diễn trong một thời gian dài.
Phim được gắn nhãn NC17 (dành cho người trên 17 tuổi), vẫn được chiếu bản đầy đủ ở Mỹ và các nước phương Tây. Nhưng khi chiếu ở Trung Quốc đại lục, phim bị cắt khoảng 6 cảnh sex. Sắc giới gây tranh cãi ầm ĩ khi tham dự LHP Venice, nhưng cuối cùng vẫn giành giải Sư tử vàng như một cách tưởng thưởng cho tài năng và độ táo bạo của nhà làm phim.
Thành tích thua kém Lý An đôi chút nhưng lý lịch làm phim dày dặn không kém là Kim Ki Duk, đạo diễn quái kiệt của Hàn Quốc. Những bộ phim gắn chặt với tình dục và bạo lực của Kim Ki Duk như một pháo đài điện ảnh ở đất nước của ông, nhưng lại là “người quen” ở các liên hoan phim quốc tế.
Thành tích lớn nhất của Kim Ki Duk vẫn là giải Sư tử vàng tại liên hoan phim Venice cho phim Pieta (2012). Ngoài ra năm 2004, ông lập một thành tích kỳ lạ là 2 giải Gấu bạc và Sư tử bạc cùng 2 giải Đạo diễn xuất sắc cho 2 phim khác tại cả Berlin lẫn Venice, nhưng nhiêu đó chưa thể hiện hết độ nổi tiếng của ông tại các liên hoan phim quốc tế.
Không chỉ Kim Ki Duk mà Jeon Do Yeon, nữ diễn viên Hàn Quốc được các liên hoan phim quốc tế ưa chuộng, cũng là người gắn liền với những bộ phim nghệ thuật 18+. Jeon còn được mệnh danh là diễn viên nữ đóng nhiều cảnh nóng nhất của điện ảnh Hàn Quốc. Cô từng góp mặt trong các phim Happy End, The Housemaid và Untold Scandal, giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại liên hoan phim Cannes với Secret Sunshine (2007).
Cành cọ vàng của Thái Lan cũng gây tranh cãi về sex
Nói về các phim châu Á từng gây náo động các liên hoan phim quốc tế, không thể không kể đến phim Thái Lan Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives (2010) - Cành cọ vàng liên hoan phim Cannes. Bộ phim của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul khi thắng giải đã gây ra một sự kinh ngạc lớn. Phim kể về một người đàn ông, Boomee, đi tìm lại quá khứ của mình khi đang sống những ngày cuối đời. Những người thân của ông, giờ là những hồn ma, hiện về sum họp. Phim có cảnh một cô công chúa làm tình với một con cá trê trên mặt nước. Giới phê bình phương Tây bình luận khá phức tạp về bộ phim nhưng ý kiến chung là đều bị thế giới quan phương Đông, thần thoại, đạo Phật... của bộ phim quyến rũ một cách khó lý giải.