Press Esc to close

Thông tinWorld
Chuyện thầy quản sinh 9X tại ngôi trường dạy trẻ cá biệt: Sáng ngủ dậy lại có thêm đứa con gái

'Bố - Đây là một từ mà con rất khó bộc ra khỏi miệng vì từ nhỏ gia đình con đã không được hạnh phúc rồi. Thực sự là con vẫn luôn muốn có một người bố thực sự - một người bố đúng nghĩa. Con gọi bố là bố không phải vì bố chiều con hay mua đồ các thứ cho con mà là vì bố đối xử với con như một đứa con gái, bố luôn làm mọi thứ để tốt cho con, bố cố thay đổi cuộc sống của con…' - đó là những dòng chữ trong tấm thiệp sinh nhật mà cô bé Nguyễn Thị Mai Hương (sinh năm 2001, học lớp 11 Trường nội trú IVS ở quận Thủ Đức, TP HCM) gửi đến cho người thầy giáo quản sinh của mình.

Trường nội trú IVS là một hệ thống trường học đặc biệt, nơi dành cho những em học sinh cá biệt và trẻ nghiện game. Còn Mai Hương - tất nhiên em cũng là một học sinh cá biệt: Gia đình phức tạp, bố mẹ ly hôn từ năm em 3 tuổi, bố Hương sau đó lấy đến người vợ thứ tư và có rất nhiều con riêng. Hương được gia đình đưa vào trường IVS sau chuỗi ngày ăn chơi sa đọa, đi bar, hút cần sa, bị nhà trường đuổi học.

Thầy Trịnh Phú Sơn (SN 1991, quê Nam Định) vốn là giáo viên dạy Văn, sau đó chuyển sang làm quản sinh tại trường IVS, đến nay thầy đã công tác tại ngôi trường này được 4 năm. Thầy kể, trường IVS cơ sở ở quận Thủ Đức có khoảng 350 học sinh, trong đó khoảng 70 nữ được bố trí ở nội trú. Ngoài những thầy cô trực tiếp giảng dạy và quản lý các em thì thầy Sơn có nhiệm vụ tổng quản sinh, phụ trách chung khu sinh hoạt của những học sinh nữ.

'Mình làm ở đây lâu, thường là những em nào nghịch nhất đều là con gái của mình, đều gọi mình bằng bố và sống rất tình cảm' - thầy nói rồi bắt đầu kể:

Chẳng hạn như 'cô con gái' với biệt danh Ngọc Anh bé (Hoàng Thị Ngọc Anh, hiện học lớp 9) khi được gia đình đưa đến trường, em nhất quyết không chịu vào. 'Lúc đó con bé gầy lắm, có ba mấy cân, mình phải bế vào trường không nó chạy mất. Con bé quậy đến nỗi bị bố cắt hết tóc phải đội tóc giả vào trường' - thầy Sơn nhớ lại.

Sự lỳ lợm của Ngọc Anh khiến không ít thầy cô phải bó tay, vào trường gần 1 năm vẫn không một ai có thể nói chuyện và cảm hóa được cô bé. 'Con bé lỳ gần nhất trường, lại chống đối, có nói thế nào thì nói, phạt thế nào thì phạt, không một chút suy chuyển. Cho đến khi mình chuyển công tác ra ngoài Bắc rồi sau đó quay trở lại, lúc đấy nó bắt đầu gọi mình bằng bố'...

Hoặc như Mai Hương, với quá khứ ăn chơi sa đọa, ngay cả khi vào trường được hơn 1 năm, Hương vẫn chứng nào tật nấy, ít nhất 3 lần đánh nhau trong trường. Thậm chí, nghỉ Tết lên, cô bé còn giấu được trong người một túi cỏ mang vào trường hút. Thầy cô bắt được, Mai Hương bị đưa ra cơ sở IVS ở ngoài Bắc để giáo dục. Suốt thời gian đó, thầy Sơn cũng cùng Hương ra Bắc.

Cuộc sống nơi xa lạ, chính những quan tâm nhỏ nhặt thường ngày của người thầy giáo trẻ đã cảm hóa được những đứa trẻ mà đến cả gia đình, người thân sinh ra chúng cũng phải bó tay. Thầy Sơn nhớ lại: 'Cái Ngọc Anh bé khi ốm, trời mưa mình cũng đi mua cháo, mà quán cháo gà ở gần đây không ngon, mình đi ra quán cháo gà ở tận ngã ba ngoài kia rất xa để mua về cho ăn… Mình nghĩ, chính từ những bát cháo khi trời mưa đó đã khiến con bé thay đổi'.

Hỏi thầy rằng khi những đứa trẻ gọi bố có thông báo cho thầy biết hay không, thầy cười 'tự nhiên nó gọi vậy thôi, có khi sáng ngủ dậy, mình lại có thêm một đứa con gái'.

Dù chưa lập gia đình nhưng chỉ tính trong ngôi trường IVS, thầy Phú Sơn đã có hàng chục học sinh gọi mình bằng bố, đáng nói hơn là tất cả những cô, cậu bé này đều là những đứa trẻ ương bướng, cá biệt. Hỏi thầy về cách thức cảm hóa các em, thầy Sơn chia sẻ: 'Khi một học sinh mới vào, mình phải xây dựng được một tài khoản tình cảm, chứ nếu không kết nối được thì mình sẽ không bao giờ khiến các em nghe lời.

Đặc biệt, không bao giờ được có trong đầu suy nghĩ đây là những đứa trẻ hư không dạy được, mà phải hiểu tất cả những việc mà các em gây ra chỉ là đến độ tuổi nhất định, các em bị lệch lạc nên mình cần phải uốn nắn'.

Nhưng để có thể 'xây dựng được tài khoản tình cảm' với các em đó chắc chắn không phải là điều có thể làm trong ngày một ngày hai mà theo thầy giáo 9X thì cần phải nắm bắt được thời điểm.

Khi thấy em học sinh nào ốm, thầy Sơn lại ra ngoài mua cho các em bát cháo hoặc ly nước cam về, gọi lên phòng và khéo léo đưa cho. Ngay cả với những học sinh nam cũng vậy, khi thấy tóc các em dài một chút, thầy không đợi đến khi các em nói mà chủ động rủ học trò cùng mình ra ngoài đi cắt tóc…

'Ở ngôi trường này luôn có một nguyên tắc là không bắt ép mà phải đồng hành cùng các em. Trò sai thì mình cùng trò sửa' - thầy nói. Thế nên, có khi học trò làm sai phải phạt tập thể lực chạy năm bảy vòng quanh sân, thầy Sơn cũng chạy cùng các em để tự chịu phạt; hay có những khi những em học sinh làm trực nhật bẩn, tự thầy cầm chổi quét lại… Những đứa trẻ cá biệt nhìn thầy vì mình mà chịu phạt đều cảm động rồi dần dần được cảm hóa.

Nếu như ở những ngôi trường khác, các thầy cô thường chỉ tập trung hoàn thành bài giảng trên lớp và kết thúc công việc sau 8 tiếng làm việc, thì ở IVS có một điều đặc biệt đó là cuộc sống của thầy cô giáo cũng gắn liền với công việc, gắn liền với những đứa trẻ cá biệt, cùng ăn, cùng học, cùng sống với các em.

'Mưa dầm thấm lâu, chính mình phải kiên trì hơn học sinh, mình dạy chúng rất nhiều, từ những điều nhỏ nhặt như gấp quần áo, lau nhà, mắc màn đi ngủ sao cho đúng cách... Một đứa trẻ khi thấy người khác quan tâm đến mình thì nhất định các em sẽ dành tình cảm cho người đó, còn nếu bỏ mặc thì tất nhiên là các em sẽ không nghe lời'.

Nhưng - dạy học sinh cá biệt đã khó thì dạy học sinh nữ cá biệt lại khó gấp bội phần.

'Học sinh nam thường nghịch nhưng chỉ nghịch thôi, nhưng suy nghĩ của học sinh nữ thì lỳ lợm, bất ổn và thay đổi chóng mặt hơn học sinh nam gấp nhiều lần' - thế nhưng, dù là một chàng trai chưa vợ thì ông bố trẻ này vẫn khiến vô số ông bố bà mẹ khác phải nể phục bởi cực kỳ tâm lý và sự quan tâm, chia sẻ đối với các học sinh nữ tại trường, kể cả những chuyện tế nhị trong cuộc sống, tình cảm của các em.

Thầy nói, vì tâm lý của con gái lúc buồn thường thu mình lại, vậy nên mỗi khi thấy các em có tâm trạng, thầy lại cố gắng kéo các em đến những nơi đông vui, hoặc có thể chỉ đơn giản là gọi các em lên văn phòng và bảo 'bổ cho bố quả bưởi, quả cam' rồi bố con cùng ngồi ăn.

'Mình luôn bình tĩnh theo dõi biểu hiện của các em, nếu muốn khóc thì hãy để cho các em khóc thoải mái, mình ngồi bên cạnh có thể chỉ cần nghe thôi. Đó gọi là đồng hành! Đồng hành không phải là một hai ngày mà cần một quãng thời gian dài đối với học sinh, đặc biệt là con gái'.

'Mình có nhiều thư của học sinh nữ viết lắm, nào là ông bố tuyệt vời, ông bố vĩ đại, ông bố bự…', nói rồi thầy giáo trẻ đưa ra những mẩu giấy, những tấm thiệp của các em gửi cho mình nhân dịp sinh nhật. Thầy nói đây chỉ là một số, còn phần nhiều thầy mang về nhà cất giữ. Trong số đó, có bức thư của Mai Hương được thầy Sơn nhắc đến với những lời lẽ mà sau khi đọc xong khiến thầy phải khựng lại xót xa:

Một cô bé với quá khứ bất cần - từ nhỏ đã sống trong cảnh gia đình ly tán, buồn chán vì mẹ đi thêm bước nữa với người đàn ông khác, còn bố thì lấy đến người vợ thứ tư, đã phải tìm đến cần sa để quên bớt nỗi buồn - nay đã tìm thấy một người bố tuyệt vời mang đến những gam màu tươi sáng, giúp em làm lại cuộc đời.

Ngay cả đến cô bé lỳ lợm nhất tại ngôi trường dành cho học sinh cá biệt - Ngọc Anh bé - cũng có những kỷ niệm rất đáng nhớ. Thầy Sơn kể có lần thầy tiếp một đoàn về trường quay phim, làm việc từ sáng đến tối quá mệt nên xuống văn phòng nằm ngủ. Đó là ngày Giáng sinh, bé Ngọc Anh hôm ấy đã đứng ngoài hành lang của phòng trực ban để đợi đưa cho thầy một tấm thiệp Giáng sinh. Đến tận 12h đêm, khi thầy Sơn tỉnh giấc và ra gặp thì cô con gái này mới chịu về.

Hành trình cảm hóa những đứa trẻ cá biệt dưới ngôi trường đặc biệt này mỗi ngày sẽ lại có thêm nhiều câu chuyện thú vị khác. Chính thầy giáo Phú Sơn cũng không biết trước liệu sớm mai tỉnh dậy, điều mình đối diện sẽ là một đứa trẻ giằng khóc để cố thoát khỏi ngôi trường này hay lại nhận được một bức thư gửi bố đầy xúc động, nhưng có một điều mà người thầy giáo 9X ấy đã nói bằng một giọng điệu chậm rãi và chắc chắn đó là: 'Ai cũng có đam mê và lý tưởng riêng, với tôi, thứ tình cảm mà mỗi ngày tôi vun đắp rồi nhận lại từ những học sinh nơi đây đó là thứ tài khoản vô giá mà tôi trân trọng và khó mà từ bỏ được'.

Tâm Nguyễn / Baodatviet.vn

Bản in 
 
Các thông tin khác
First :: Prev :: [1] [2] [3] [4] [5] [...] :: Next :: Last
Chương trình mới
20h00 từ Thứ 2 đến Thứ 7
21h00 từ Thứ 2 đến Thứ 7
19h từ Thứ 2 đến Thứ 7
22:00 từ thứ 2 - thứ 7
Thông tin đọc nhiều
 
Sự kiện nổi bật
Trường Giang, Trấn Thành, Minh Hằng, Kiều Minh Tuấn,Yeye Nhật Hạ,... cùng nhiều nghệ sĩ vinh dự nhận cúp vàng 10 năm Ngôi Sao Xanh
Thứ sáu, 12/01/2024 10:14

Đêm gala vinh danh giải thưởng Ngôi Sao Xanh lần thứ 10 do Kênh Truyền hình TodayTV phối hợp Tạp chí Thế Giới Điện Ảnh tổ chức đã diễn ra thành công, náo nhiệt vào tối ngày 10/01/2024 với sự góp mặt của hơn 300 nghệ sĩ nổi tiếng cả trong và ngoài nước.

Film Thanapat, Jam Rachata cùng dàn sao Trấn Thành, Việt Hương, Kiều Minh Tuấn, Trương Thế Vinh,... sải bước lộng lẫy tại thảm đỏ Ngôi Sao Xanh 2023
Thứ sáu, 12/01/2024 09:46

Tối ngày 10/01/2024 rộn ràng diễn ra chương trình Gala Lễ trao giải Ngôi Sao Xanh lần thứ 10 với sự góp mặt của hàng loạt tên tuổi nổi tiếng: NSND Kim Xuân, NSƯT - Đạo diễn Lê Hoàng, Trấn Thành, Việt Hương, Trương Thế Vinh, Kiều Minh Tuấn, Diễm My 9X, Jun Vũ, Ưng Hoàng Phúc, Trương Quỳnh Anh,... xuất hiện lung linh trên thảm đỏ, chiếm trọn ống kính truyền thông và sự quan tâm của người hâm mộ khắp cả nước.