Tôi kể rằng cách đây lâu rồi, khi bố mẹ tôi chuyển về Quảng Ninh công tác, một lần ra chơi Tiên Yên, người ta mời đi ăn xôi sáng với Khâu nhục. Cũng như bạn, tôi không biết đó là món gì, nhưng ăn với xôi trắng thì rất quện. Xôi cứ trắng muốt, dẻo, thơm, nóng hôi hổi. Khâu nhục đậm đà, vừa ăn. Cũng lại vẫn như bạn, lúc đầu tưởng một miếng khâu nhục to thế làm sao ăn hết, ai dè chén liên tù tì được tới mấy miếng; tôi ham ăn đánh một bữa no thay bữa trưa luôn. Nhân đó mới hỏi mọi người cùng ăn xem chế biến món này thế nào? Chẳng ai thạo. Lại kể, lúc ra chợ Tiên Yên, thấy rõ ràng là những miếng đậu phụ đã cắt thành miếng vừa ăn nhuộm phẩm quả dành dành để đày trong chậu. Hỏi người bán đó là gì, họ bảo đó là Phù nhự. "Để làm gì?". "Để nấu Khau nhục". Lại kể, đi lang thang phố Tiên Yên, thấy mấy chị ngồi ngay hiên nhà, quanh một rổ thịt ba chỉ cắt dọc dày độ 3cm, dài chừng 12cm đã luộc chín, họ đang dùng que nhọn chọc kỹ vào bì. Hỏi họ đang làm gì, họ bảo đang làm món Khau nhục. "Làm thế nào?". "Thì đang làm như vầy. Luộc rồi đâm bì, rồi đem rán vàng bì, rồi tẩm ướp gia vị, rồi đem hấp cho mềm nhừ...". "Gia vị gồm những gì?". "Nhiều thứ lắm. Kể ra cũng không biết hết đâu, toàn là tiếng địa phương với cả tiếng Tàu thôi. Đây là món của người Tàu mà!". Chị cười tươi nói giọng lơ lớ tiếng Kinh, trên mình vận bộ đồ Sán Dìu "đặc chủng". "Đấy!" - tôi nói với bạn - "Chuyện làm Khau nhục mình biết là như thế, phải có Phù nhự, có gia vị Tàu, sơ chế thì luộc, rồi đâm bì, rán vàng bì..." Bạn hỏi rụt rè, người Hoa không ở Quảng Ninh nhiều nữa, giờ có sẵn thứ này không. Tôi bảo sẵn lắm chứ, nhất là khu vực ngoài miền Đông của tỉnh. Nơi những người Sán Dìu còn sinh sống thành làng bản, họ coi khâu nhục như ẩm thực không thiếu được, đám cưới hỏi bao nhiêu bát khâu nhục là hiểu thách cưới có to không. Những huyện thị như Móng Cái, Hải Hà, Ba Chẽ.. các bữa tiệc đều thấy món này, do người Việt nấu. "Mà chẳng cứ bữa tiệc, Tiên Yên người ta người ta vẫn bán ăn cùng xôi sáng đấy thôi!" Cái chợ gần cảng sập Tiên Yên có lần vào buổi chiều tôi đã bắt gặp những người bán Khau nhục đã nấu sẵn chỉ việc mua về ăn luôn. Bạn lại hỏi: "Đằng ấy đã được thưởng thức món này nhiều nơi, có thấy chúng có khác nhau không?". Tôi nghĩ chúng tương đối giống nhau. Nhưng hình như ở Tiên Yên hay Ba Chẽ thì có ngon hơn. Có lẽ là do thịt. Mà cũng có khi là do khâu tẩm ướp gia vị chăng. Nó không nồng lắm mùi địa liền hay gừng gió. Nhiều nơi thấy cả Khâu nhục kẹp với khoai Lệ Phố, lượt thịt, lượt khoai như ở nhà hàng kế bên Bưu điện Móng Cái, hồi cửa khẩu mới mở, ăn là lạ. Nhưng mà đã là Khâu nhục thì có lẽ nên thuần khiết. Quảng Ninh có món này của người Hoa để lại mà nay do người Việt nấu nhưng vẫn đảm bảo các đặc trưng của nó. Chúng tạo thành nét riêng một vùng quê, một hương vị quê nhà. Chuyện bạn tôi lần đầu tiên được thưởng thức Khâu nhục đã mở cho tôi một câu chuyện dài về món ăn Tàu đã Việt hóa này, Việt hóa đến độ người ta coi nó như hàng quà sáng. Đêm rét áp Tết, bạn lên xe đêm về Hà Nội, xách theo chiếc cạp-lồng khâu nhục tôi đã chuẩn bị sẵn. Tạm biệt nhau không quên nói mà như khẳng định: "Món lạ mà ngon đấy đằng ấy ạ!".
Theo Depplus/Mask